Cuộc khảo sát được thực hiện với 402 cặp làm cha mẹ khi còn quá trẻ, thuộc nhóm có thu nhập thấp, tức là thấp hơn 60% so với mức thu nhập trung bình ở Hàn Quốc. Theo đó, 79,7% số người được hỏi cho biết, họ cảm thấy gánh nặng chi phí chăm sóc con cái quá lớn. Do gánh nặng nuôi con, theo hãng tin Yonhap, một nửa số người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 thích kết hôn không có con, so với năm 2015, chỉ có 3 trong số 10 người Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng này. Theo Viện Phát triển Hàn Quốc, vào năm 2015, 29,1% người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 cho rằng việc nuôi dạy con cái là không cần thiết, trong khi năm 2022, 52,4% đồng ý với ý kiến tương tự.
Có con sau khi kết hôn không còn là điều bắt buộc mà là sự lựa chọn của nhiều người trẻ Hàn Quốc. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, đây là thay đổi về nhận thức của công chúng về “hôn nhân truyền thống”, khi các cặp vợ chồng được cho là sẽ sớm cùng nhau nuôi dạy con cái. Thay đổi này dẫn đến tỷ lệ sinh của Hàn Quốc - số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời, ở mức dưới 1% trong 4 năm liên tiếp và tỷ lệ này ở mức thấp kỷ lục 0,78% (thống kê vào tháng 1). Phần lớn lý do là vì chi phí nuôi con tăng. Nuôi con không chỉ ngày càng tốn kém hơn trong những năm gần đây mà gánh nặng của việc này thường đổ dồn lên vai phụ nữ, những người phải vật lộn để giữ cho sự nghiệp của bản thân không bị gián đoạn do việc chăm sóc con cái.
Theo tập đoàn tài chính Mỹ Jefferies, tỷ lệ chi phí nuôi dạy trẻ trên GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Báo cáo mới nhất của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho biết, phụ nữ ở Hàn Quốc vẫn đảm nhận vai trò lớn hơn nam giới trong việc nuôi dạy con cái. Quốc hội Hàn Quốc nhận thấy rằng đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm khoảng cách, khi phụ nữ dành nhiều thời gian chăm sóc con cái hơn nam giới. Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều để ngăn chặn tình trạng tỷ lệ sinh quốc gia giảm mạnh nhưng vẫn chưa tạo ra nhiều khác biệt.
Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết, chính phủ đã rót hơn 200 tỷ USD vào các chương trình hỗ trợ các bà mẹ mới sinh trong 16 năm qua, nhưng tỷ lệ sinh không tăng mà còn giảm hơn 25% trong khoảng thời gian đó. Chính phủ cam kết tăng khoản trợ cấp cho cha mẹ có con dưới 1 tuổi từ 300.000 won (khoảng 230 USD)/tháng lên 1 triệu won (765 USD)/tháng vào năm 2024.
Theo UNICEF, các chính sách chăm sóc trẻ em của Hàn Quốc cũng nằm trong số những chính sách tốt nhất trên thế giới và đang tiếp tục được mở rộng. Hồi tháng 1, chính phủ đã công bố kế hoạch tăng thời gian nghỉ phép có lương của cha mẹ từ 1 năm lên 1 năm rưỡi. Một trong những vấn đề nhức nhối nhất là thiếu nhà ở giá phải chăng - đặc biệt là ở các thành phố lớn như Seoul, nơi đang thu hút ngày càng nhiều thanh niên từ nông thôn đến với triển vọng có cơ hội giáo dục và việc làm tốt hơn. Những người trẻ tuổi đang gặp khó khăn trong việc mua nhà cho riêng mình và sau đó là lập gia đình. Ngoài ra, vấn đề chăm sóc con cũng làm nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc lo ngại. Họ mong muốn chính phủ thành lập nhiều trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày hơn là cấp vài trăm USD mỗi tháng, mà đa số cho là không đủ để trang trải những nhu yếu phẩm như tã lót và thức ăn.