Họ lo ngại chính phủ sẽ tăng thuế kéo dài hoặc cắt giảm các dịch vụ và phúc lợi xã hội do gánh nợ ngày càng cao kể từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Nỗi sợ hãi về dịch bệnh chỉ đứng thứ 14 (35%) trong cuộc khảo sát. Theo các chuyên gia xã hội, điều này không quá khó hiểu vì ngay cả trong năm ngoái, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát buộc Chính phủ Đức phải áp đặt các biện pháp phong tỏa, chỉ có khoảng 1/3 số người được hỏi sợ bị mắc Covid-19 dù lúc đó chưa có bất kỳ loại vaccine nào.
Cũng theo kết quả khảo sát, nỗi lo sợ lớn thứ 2 và thứ 3 là chi phí sinh hoạt sẽ tăng lên và người đóng thuế bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ của Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, nỗi lo về suy thoái kinh tế lại giảm bớt so với năm ngoái, xuống còn 40% và đứng vị trí thứ 10 trong danh sách những điều đáng lo ngại nhất. Năm ngoái, khi việc kinh doanh bị đình trệ do đại dịch, nỗi lo về suy thoái đứng ở vị trí thứ 4 với 48%.
Trong nhiều năm, việc đạt cân bằng ngân sách mà không phải vay ngoài được coi là niềm tự hào của Chính phủ Đức, đồng thời mang lại cho người dân sự yên tâm khi được sống ở một quốc gia “mạnh khỏe” về tài chính. Tuy nhiên, khi Covid-19 ập đến, quốc gia lớn nhất Khu vực đồng euro lại phải gánh nợ.
Vào giữa tháng 4-2020, Quốc hội liên bang đã buộc phải thông qua các khoản vay kỷ lục có tổng trị giá lên tới 240 tỷ EUR (284 tỷ USD) cho quỹ phục hồi Covid-19. Tổng nợ công của Đức đã tăng lên 2.200 tỷ EUR (2.600 tỷ USD), mức cao nhất mọi thời đại.
Lạm phát ở Đức trong tháng 8 đã tăng mạnh lên mức 3,9%, cao nhất trong 28 năm qua. Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong quý 3 năm nay.
Mặc dù vậy, các chuyên gia của Bundesbank cũng cảnh báo tốc độ lây lan của biến chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh có thể sẽ mang lại rủi ro cho nền kinh tế, vì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt có thể được tái áp đặt khi tỷ lệ lây nhiễm tăng cao.