Gánh nặng chi phí sẽ giết chết doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu đựng những gánh nặng chi phí rất lớn, cả chi phí chính thức lẫn không chính thức.
Các vị khách mời tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các vị khách mời tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 23-8, tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định: “Các con số quá cụ thể về chi phí kinh doanh thường dẫn đến tranh luận, nhưng chỉ có thể nói ngắn gọn tình hình hiện nay là nếu không được kiểm soát thì gánh nặng chi phí sẽ giết chết doanh nghiệp”.

Cho rằng cần có cái nhìn bình tĩnh, khách quan trước hiện tượng “doanh nghiệp mới thành lập nhiều, nhưng chết cũng không ít”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, không phải tất cả doanh nghiệp rút khỏi thị trường đều là do không chịu được chi phí. Nhưng quả thực các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu đựng những gánh nặng chi phí rất lớn, cả chi phí chính thức (như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, logicstic, vận tải…) lẫn không chính thức.

Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, để hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch và hạn chế tham nhũng vặt, đẩy mạnh Chính phủ điện tử là một giải pháp quan trọng.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu thì nhận xét, Chính phủ đã quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, thể hiện qua Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, nhưng so với mục tiêu đề ra thì vẫn chưa đạt.
“Làm phép tính nhỏ: nhân thời gian tuân thủ với ngày công của nhân lực làm việc này sẽ ra con số hàng ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí cơ hội. Khi thực hiện 1 thủ tục hành chính, anh không biết được nó có thành công hay không, nhưng như vậy là đã có thể mất đi cơ hội kinh doanh của một doanh nghiệp, mất đi cơ hội của một số lượng lao động nhất định”.
Theo ông Phan Đức Hiếu, nếu để từng ngành tự rà soát, tự cắt bỏ thủ tục thì sẽ không hiệu quả, vì chính các bộ ngành đã “đẻ” ra thủ tục. Kinh nghiệm quốc tế là thực hiện rà soát song song: các ngành tự rà soát và cơ quan phản biện độc lập cũng rà soát. Chính phủ lập “hội đồng trọng tài” để đưa ra quyết định cuối cùng: bỏ, giữ, hay điều chỉnh. Ông Ngô Văn Điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, đồng tình và gợi ý phát huy vai trò của Tổ tư vấn cho Thủ tướng trước khi ban hành chính sách.

Tin cùng chuyên mục