Ngày 10-11, tại hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ IV diễn ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết, hiện nay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở nước ta còn nhiều hạn chế, thiếu các cơ sở y tế và nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc).
Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, trung bình một người cao tuổi mắc tới 7 mặt bệnh mãn tính nên chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc gấp 7-10 lần người trẻ. Thu nhập trung bình của người cao tuổi chỉ khoảng 538.000 đồng/tháng, chủ yếu từ bảo trợ xã hội, lương hưu và chỉ 62,79% người cao tuổi có bảo hiểm y tế.
Việc cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn nhiều hạn chế |
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Trung Anh đề xuất cần sớm thành lập bộ môn lão khoa tại các trường đại học y, tăng cường đào tạo chuyên ngành lão khoa cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác; đào tạo nhân lực chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực lão khoa. Đồng thời cần phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cho người cao tuổi thông qua phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế và cần đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi sống tại nhà.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011 và là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2021, cả nước có 12,5 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% dân số). Ước tính tới năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% dân số.