10 người tử vong thì có 7 người mắc bệnh KLN
Mới đây, tại hội nghị phòng chống bệnh không lây nhiễm (KLN) được tổ chức ở TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định rằng các bệnh KLN đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc và tập trung ở các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư…, chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật; các bệnh KLN gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.
Mặc dù trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh KLN nhưng tình trạng gia tăng căn bệnh này tại Việt Nam vẫn ở mức báo động. Lý giải về điều này ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh: vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (9,4gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch được phát hiện và quản lý điều trị còn rất thấp, chỉ dưới 50%...
Còn theo Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, hiện nay bệnh KLN đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh KLN gây ra. Riêng ở Việt Nam, con số thiệt hại liên quan đến các bệnh về thuốc lá cũng đã chiếm hơn 1 tỷ USD. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch, đột quỵ ngày càng giảm do họ kiểm soát tốt và sớm thì trái lại, ở Việt Nam tỷ lệ người mắc 2 căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng và trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong số các bệnh KLN.
Cần chủ động phòng ngừa
Trước tình trạng bệnh KLN có chiều hướng gia tăng ở nước ta, Bộ Y tế đã đề ra chiến lược đến năm 2025 với mục tiêu chỉ còn 20% số ca tử vong sớm do bệnh KLN, trong đó phấn đấu giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 30% mức tiêu thụ muối/người, kiểm soát thừa cân béo phì dưới 15%, tăng huyết áp dưới 30%, đái tháo đường dưới 8%... Để có thể đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế cũng đã đưa ra các giải pháp, chính sách kiểm soát yếu tố nguy cơ như xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng… Đồng thời, kiện toàn mạng lưới để cung cấp các dịch vụ giám sát, dự phòng, quản lý, điều trị bệnh KLN từ trung ương đến mạng lưới y tế tuyến xã, thôn, bản…
Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên có nguồn tài chính bền vững, cần xem xét thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng nhằm hỗ trợ cho công tác phòng chống bệnh KLN và nâng cao sức khỏe cho người dân. Nhất là trong bối cảnh nước ta, bệnh KLN đang là gánh nặng, số người tử vong ngày càng nhiều, việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây cũng là biện pháp đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công và cũng rất phù hợp với chủ chương của Chính phủ Việt Nam thông qua Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh KLN giai đoạn 2015-2025.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc cần làm ngay lúc này là ngành y tế các cấp phải đẩy mạnh công tác phòng chống, tăng cường truyền thông phòng chống, sàng lọc phát hiện sớm các loại bệnh KLN, chủ động phòng ngừa đối với các loại bệnh đã có vaccine, tăng cường chuyên môn, trang thiết bị trong việc tầm soát, điều trị bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ trong cộng đồng. Ngành y tế kêu gọi người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh KLN và các bệnh lý khác bằng cách như: có chế độ ăn uống hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc, hạn chế uống bia rượu, tăng cường hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, sống tích cực. Cùng với đó, xây dựng và lan rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như câu lạc bộ sức khỏe, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe… để cùng nhau chung tay phòng, chống các bệnh KLN.