Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Thanh Tuyền, Phó Ban công tác phía Nam Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đến dự.
Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chủ trì hội nghị.
Hiệu quả giám sát chưa cao
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát và đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, tập trung chỉ đạo phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Quá trình thực hiện, hệ thống chính trị các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng công tác giám sát của MTTQ Việt Nam và nhân dân. Dù vậy, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng chí mong muốn hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung mới, nội dung thực tế sẽ gặp khó khăn khi triển khai thực hiện trên địa bàn; đồng thời đề xuất những giải pháp, cách làm để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2030.
Triển khai Chỉ thị 13 tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, nhiều năm qua, Thành ủy và các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, tập trung chỉ đạo phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thành phố tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp tại TPHCM đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quy định về giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực người dân quan tâm, bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp khẳng định, qua giám sát đã phát hiện những vấn đề còn hạn chế, bất cập để kiến nghị chính quyền các cấp điều chỉnh và có giải pháp khắc phục, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, sau gần 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên địa bàn TPHCM (từ năm 2009 - 2015), hoạt động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND xã, thành phố, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác giám sát chưa cao, vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, chủ thể giám sát chủ yếu là MTTQ Việt Nam các cấp của TPHCM, đối tượng giám sát chủ yếu là cơ quan chính quyền, kết luận giám sát còn chung chung. Cùng với đó vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý những hạn chế, yếu kém của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong khi đó, nhiều kiến nghị của nhân dân kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều đề xuất, kiến nghị sau giám sát chưa được các cấp chính quyền quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng... nên hiệu quả giám sát chưa cao.
Mở rộng giám sát cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân TP tích cực đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát và đặc biệt khi TPHCM thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp cho biết Thành ủy đã xây dựng và ban hành Đề án 06.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, đối với tổ chức, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giám sát ban thường vụ cấp ủy, UBND cấp dưới giai đoạn 2021 - 2025 và Ban Thường vụ cấp ủy, UBND cùng cấp giai đoạn 2025 - 2030; các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp.
Đối với cá nhân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giám sát người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu UBND cấp dưới giai đoạn 2020 - 2025 và giám sát người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu UBND cùng cấp giai đoạn 2025 - 2030, đồng thời mở rộng giám sát cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM các cấp Triển khai Chỉ thị 13 và thực hiện Đề án giám sát 06 phải tập trung vào một số lĩnh vực như công khai chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thủ tục hành chính, quy hoạch sử dụng đất, về các nguồn thu trong dân...
Phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở quận, phường trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tổ chức giám sát việc tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân trong góp ý việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề nóng mà người dân quan tâm.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và nâng chất năng lực dự báo, phân tích, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp; tăng cường hòa giải những vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ở địa bàn dân cư.
Cùng với đó, gắn việc thực hiện Chỉ thị 13 với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí hàng năm; vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng nhằm làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, góp phần kịp thời giáo dục, xử lý các cá nhân có sai phạm, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm với nhân dân.
Công bố kết quả giám sát với nhân dân Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị trực tuyến
|