Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, chia sẻ, nguồn nguyên liệu nhựa xử lý sạch và băm nhỏ thành mảnh nhựa rồi chuyển cho các nhà máy tái chế. Đây là nguồn nguyên liệu rất tốt để tạo thành các sản phẩm cung ứng cho thị trường như quần áo, túi nhựa, đồ nội thất…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, rác thải nói chung chủ yếu vẫn xử lý bằng biện pháp chôn lấp, chiếm 70% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Trong đó, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí (mùi hôi), ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh.
Xuất phát từ vấn đề trên, Bộ TN-MT đã đưa ra quy định trách nhiệm thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ (EPR). Theo đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu gom và tái chế 6 nhóm bao bì và sản phẩm thải bỏ. Ngoài ra, từ 1-1-2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50x50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch. Và sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Đây cũng là quy định cần thiết để gắn trách nhiệm xanh với các doanh nghiệp sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sống.