Hiệu quả kinh tế
Năm 2018, anh Nguyễn Văn Hải (38 tuổi, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đầu tư trang trại, máy móc hiện đại để sản xuất sữa dê. Sau nhiều năm mày mò, anh đã sản xuất thành công sản phẩm sữa dê thanh trùng, được kiểm nghiệm và đạt các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài sữa dê, anh Hải còn chế biến các mặt hàng như bánh, sữa chua… Hiện tất cả sản phẩm từ nông trại anh Hải đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được phân phối rộng khắp trong cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, thoát nghèo cho nhiều nông hộ trong vùng.
Ông Dương Tín Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, cho biết, hiện UBND tỉnh đã công nhận 72 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Các sản phẩm đạt 4 sao như cà phê, ca cao, mắc ca đều có tiềm năng hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao, cơ hội rất lớn gia nhập thị trường quốc tế.
Tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, địa phương đã xây dựng được 19 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao, như cây ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh, cà phê, sâm dây, nấm. “Các sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP thì giá thành tăng vọt. Nhiều sản phẩm là cây dược liệu gắn với rừng, do đó người dân dốc sức giữ rừng”, ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tu Mơ Rông, cho biết.
Trong khi đó, toàn tỉnh Gia Lai có 214 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao. Bên cạnh tham gia giao thương hàng hóa trong nước, nhiều sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu. Còn tại Lâm Đồng, tỉnh có 155 sản phẩm OCOP liên quan đến thảo dược, thực phẩm, đồ uống; trong đó có 9 sản phẩm 5 sao, 79 sản phẩm 4 sao, 67 sản phẩm 3 sao. Chương trình OCOP tại Lâm Đồng bước đầu đã phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Mở rộng thị trường, phát triển bền vững
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển chương trình OCOP ở Tây Nguyên cũng gặp nhiều trở ngại. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thời gian qua, việc thực hiện chương trình còn nhiều lúng túng do các chủ thể chưa thấy được lợi ích, ngại thay đổi mẫu mã sản phẩm và phương thức kinh doanh hiện đại, chưa quen với thủ tục, hồ sơ tham gia. Trong khi đó, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk cho rằng, phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh còn nhiều thách thức do xuất phát điểm các xã thấp, nguồn lực còn hạn chế, nông dân còn nghèo. Ngoài ra, hiện nay các sản phẩm sản xuất manh mún, kỹ thuật lạc hậu, xúc tiến thương mại hạn chế, thông tin sản phẩm thiếu trung thực, năng lực sản xuất, kỹ năng bán hàng yếu, thiếu liên kết… làm ảnh hưởng sức cạnh tranh của hàng hóa.
Mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện khoảng 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia. Theo ông Dương Tín Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, các giải pháp của địa phương trong thời gian tới là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm; gắn kết chương trình OCOP vào xây dựng nông thôn mới nhằm gia tăng các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo xúc tiến thị trường nông sản gắn với phát triển OCOP tỉnh Lâm Đồng, cho hay, trong kế hoạch phát triển thị trường nông sản gắn với sản phẩm OCOP năm 2022, tỉnh sẽ triển khai các nội dung: tổ chức sản xuất nông nghiệp thành vùng hàng hóa lớn; phát triển sơ chế, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Để thực hiện, các sở ngành của tỉnh Lâm Đồng sẽ hướng dẫn sản xuất nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và ngoài nước; xây dựng phương án tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản.
Đánh giá về phát triển các sản phẩm OCOP ở vùng Tây Nguyên, TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), cho rằng, chương trình phát triển OCOP là hướng đi đúng, nhưng gần đây các địa phương chủ yếu phát triển theo số lượng, chưa có điểm nhấn, chưa có đổi mới. Hiện các sản phẩm OCOP trên cả vùng Tây Nguyên đa số chỉ mới đạt được tiêu chuẩn 3 sao, chưa có đột phá, sáng tạo. Do đó, trong thời gian tới, sản phẩm OCOP cần đầu tư nhiều hơn theo hướng phải có nét đặc trưng riêng và tập trung vào chất lượng, bền vững. |