Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 của Quốc hội để bảo đảm các quy định mới được thi hành kịp thời, thống nhất; thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Người đứng đầu ngành Tòa án cũng thông tin, để nâng cao chất lượng xét xử các loại án, Tòa án Nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị Chánh án Tòa án 4 cấp để bàn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử và tại hội nghị này đã đề ra 14 giải pháp mà các tòa án cần tập trung thực hiện nhằm bảo đảm các phán quyết của tòa án chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
“Với việc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp đề ra, chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được bảo đảm; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hòa Bình, công tác xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như... Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước; đồng thời, chú ý áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội nhằm tránh việc tẩu tán tài sản.
Đối với các vụ việc dân sự, đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án. Tòa án Nhân dân tối cao đã tổ chức tập huấn kỹ năng viết bản án, quyết định cho các thẩm phán nên đã hạn chế được phần lớn các tồn tại trước đây. Do đó, số lượng bản án mà các tòa án phải giải thích, đính chính hoặc kháng nghị do bản án tuyên không rõ ràng đã giảm dần.
Đối với các vụ án hành chính, các tòa án cũng đã quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Cụ thể, tính đến ngày 30-6-2020 không còn vụ án hành chính quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của tòa án.
“Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các vụ án hành chính thường phức tạp; quá trình thực hiện một số quy định của Luật Tố tụng hành chính có những vướng mắc, khiến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, nên tỷ lệ giải quyết loại án này chỉ đạt trung bình gần 60% trong các năm gần đây”, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhìn nhận.
Đáng lưu ý, trong việc giải quyết các vụ án liên quan tới nợ tiền bảo hiểm xã hội, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15-8-2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự; tăng cường chỉ đạo các tòa án xét xử nghiêm các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định. Nhờ đó, việc xét xử loại án này đã có những tiến bộ rõ rệt.