Chia nhau mớ rau, cọng hành
Vài tuần trước, chồng tôi được công ty ở Bình Dương gọi đi làm gấp, sau cả tháng “nghỉ dưỡng” tại gia. Cứ tưởng hết tháng anh về, nhưng theo thông tin sơ bộ, thì khoảng cuối tháng 10 mới được về nhà. Vì thời điểm này dịch giã tại Bình Dương cũng không đỡ hơn TPHCM là bao. Ừ thì đi làm, nhưng mẹ chồng tôi cũng ậm ừ cho xong, chứ trong lòng bà có vẻ không vui.
“Chị Hương ơi, bố bé Kẹo ở lại công ty chứ chưa về à. Mẹ con Kẹo có ra cơ quan đi làm không. Chị ở nhà khỏe không, có gì nói chúng em biết nhé…”, cô Thanh, hàng xóm sát vách nhà tôi nói vọng sang. Cách đó một căn, anh Giang hàng xóm cũng nhiệt tình: “Cô ăn rau muống hay dưa leo, con biếu cô nhé? Mà mấy con rồng kia chúng cần rau lắm, cô lấy một ít đem về cho chúng ăn”. “Nhà cô có chút hành lá, con thiếu cứ ghé cô lấy nha”, cô Thanh nhắc tôi.
Mẹ tôi được hàng xóm hỏi thăm, động viên nên vui ra mặt. Bé Kẹo ở nhà cũng thường xuyên lên mạng xem các chương trình thiếu nhi, “nhẵn mặt” với kênh của chị bé Na, hài Mr Bean, chú cừu thông minh… Thỉnh thoảng, con gái lớn của cô Thanh, làm chuyên viên cho một công ty nước ngoài, cũng nói chuyện với bé, khiến con nhỏ thích mê, mặc dù tôi cũng chẳng rõ hai cô cháu nói gì.
Khoảng một năm trước, gia đình tôi chuyển từ căn hộ gần đó xuống định cư nơi này, với hy vọng có chút không gian sống rộng hơn, để có thể trồng chút hoa xanh, rau tươi, nuôi chim cảnh… Lúc mới về, hàng xóm nói lớn tiếng, đàn chó nhỏ (khoảng 6 con của hai gia đình hàng xóm) hay qua ị bậy nên tôi cũng không thích cho lắm. Bởi mỗi sáng, không mẹ chồng thì tôi hoặc chồng tôi phải thay nhau dọn dẹp, chưa kể có những lúc cao hứng, đám chó nhỏ còn bới tung chậu cây cảnh, làm bật rễ hết đám hoa nhỏ mới trồng trước đó. Vậy mà, từ lúc giãn cách đến nay, cảm nhận của gia đình tôi về hàng xóm và ngược lại, hàng xóm với chúng tôi cũng đã khác, theo hướng tích cực.
Cụ thể, do giãn cách, nên hàng xóm không đi làm được, có thời gian ở nhà nhiều hơn. Thành ra, lũ chó ị bậy, chúng tôi không phải hốt, đám hoa trốc rễ cũng có người dặm lại. Chưa kể, thùng nước nhà tôi (chứa nước mưa, hoặc nước tưới cây từ giàn lan gác mái) lỡ đầy, chồng cô Thanh cũng tưới giùm hoặc đổ giúp. Bởi như cô Thanh tâm sự: “Các cháu trồng hoa cho hàng xóm ngắm chung mà. Vẻ đẹp của cỏ cây khiến ai cũng yêu thích”.
Sống vui khỏe, tích cực
Hàng ngày, tôi đều thay chồng chăm giàn lan, nhổ cỏ cho mấy chậu hoa trước nhà, vệ sinh nơi ăn, chốn ở của cánh thú cưng. Ngoài ra, lúc rảnh rỗi tôi sẽ lên mạng xem thêm thông tin nấu ăn, cách chế biến tiết kiệm nguyên liệu… Tối đến, trước khi đi ngủ sẽ cùng Kẹo đọc sách, xem phim hoạt hình chú sâu dễ thương Larva…
Riêng mẹ chồng tôi, màn hát karaoke trên điện thoại luôn được thực hiện sau giờ cơm tối vài giờ với âm lượng nhỏ vừa phải, mục đích là… giảm cân. “Mẹ thấy hát nhiều có tác dụng giảm cân con ạ”, mẹ chồng tôi chia sẻ. Còn tôi, cứ tủm tỉm cười. Chả biết có thật không, nhưng bà nội Kẹo thấy vui là tôi yên tâm. Điều này trái ngược với tâm trạng trước đây của bà, ở thời điểm mới giãn cách xã hội. Lúc đó, bà có vẻ buồn bực, chỉ muốn ra khỏi nhà để làm bất cứ việc gì mình thích như tập thể dục, mua thuốc uống, đi chợ…
Hiện tại, mỗi sáng mẹ tôi tranh thủ dậy sớm, tưới cây quanh nhà, đọc tin tức… Bà “điểm tin” và nói: “Hôm nay, số ca nhiễm giảm dần, người chết ít hơn, số ca bình phục nhiều hẳn. Hy vọng rằng hết tháng này dịch giã ổn định để mọi người có thể yên tâm đi làm”. “Sao mẹ lạc quan thế?”, tôi hỏi.
Bà nội Kẹo thủng thẳng trả lời: “Cuộc sống mong manh. Dù buồn hay vui ta cũng phải sống, vậy thì chọn vui chứ sao chọn buồn hả con”. Tôi thầm nghĩ, mẹ chồng tôi đã thay đổi rất nhiều, bà lạc quan hơn trong dịch bệnh, điều ít thấy trước đây. Qua “điều tra”, tôi được biết, cách đây ít ngày, một người bạn của bà sống tại chung cư gần đó mắc Covid-19, đi cách ly và mất sau đó chưa đầy 4 ngày. Đó cũng là một trong những lý do khiến bà trân trọng cuộc sống, nhìn mọi thứ vui vẻ, tích cực hơn.
Tin yêu cuộc sống, nhìn vào những điều tích cực để ta thấy yêu đời, yêu người hơn. Khi nhìn cuộc sống theo hướng lạc quan, chúng ta sẽ tràn đầy năng lượng và nghị lực sống. Cuộc đời vì thế mà ngày càng đáng yêu, đáng sống hơn.