Do vậy, việc gắn kết đưa nông sản, thực phẩm từ ĐBSCL vào hệ thống chợ đầu mối, kênh phân phối trực tiếp luôn là ưu tiên hàng đầu của TPHCM với các tỉnh thành khu vực này.
Cung ứng sản phẩm thế mạnh
Mỗi địa phương ở ĐBSCL hầu như đều được thiên nhiên ban tặng những lợi thế riêng biệt. Chẳng hạn, tại tỉnh Bến Tre, bà con sống dựa vào nông nghiệp là chính. Hiện toàn tỉnh có khoảng 72.000ha dừa; 35.000ha cây ăn quả với các loại đặc sản chủ lực như chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bưởi da xanh…
Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh này có khoảng hơn 4.100ha với gần 2.500 hộ nông dân, tổ hợp tác trồng dừa sạch hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ, các nước châu Âu…
Số hàng này được chuyển lên TPHCM hoặc xuất đi các nước trên thế giới. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, nông dân có hàng trăm cây dừa đang cho thu hoạch tại Bến Tre, chia sẻ rằng bà con nông dân gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, các chợ đầu mối lớn của TPHCM, giúp tiêu thụ trực tiếp hàng hóa, ổn định kinh tế hộ gia đình.
Không chỉ có sản phẩm dừa tươi đóng hộp đủ loại, mà các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống từ dừa cũng ra đời… Thêm nữa, các vườn dừa lớn còn trở thành điểm du lịch sinh thái miệt vườn rất hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra một số huyện khác của Bến Tre như Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc đang có những vườn bưởi da xanh nổi tiếng như Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành) với 52ha, cùng 94 thành viên.
Sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, có sổ ghi chép hàng ngày, quy trình bón phân, xịt thuốc, liều lượng cụ thể… Bà con tiếp cận quy trình canh tác mới, giúp tăng năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận.
Hộ ông Đào Văn Minh, thành viên tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành, cho hay mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 20 tấn bưởi, đem về doanh thu hàng tỷ đồng. Hàng hóa cung ứng ổn định nhờ quy trình sản xuất tốt, sản phẩm an toàn, thu nhập của bà con đều tăng đáng kể.
Đối với tỉnh Long An, địa phương này chọn chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành; trong đó, ngành mũi nhọn là trái thanh long. Trên 1.600ha thanh long của tỉnh sản xuất theo chuẩn VietGAP ứng dụng công nghệ cao, dùng phân sinh học, bẫy côn trùng, tưới nước tiết kiệm, giúp bà con tăng năng suất và thu nhập.
Liên kết phân phối, nâng chất lượng sản phẩm
Thời gian gần đây, TPHCM liên tục có các buổi xúc tiến, làm việc với các tỉnh thành khu vực ĐBSCL để đưa hàng hóa sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn), hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể…
Chưa kể, những buổi gặp gỡ trực tiếp giữa đại diện các hợp tác xã nông nghiệp với siêu thị, chợ đầu mối… để tháo gỡ những vướng mắc về giá cả, chỉ tiêu chất lượng, mức chiết khấu…
Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM nhiều lần khẳng định, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm (rau quả, trái cây, thịt gia súc gia cầm, hải sản…) hàng ngày của đô thị khoảng 13 triệu dân rất lớn, nhưng không đồng nghĩa với việc người tiêu dùng TPHCM dễ dãi trong việc mua sắm thực phẩm. Hàng hóa vào TP phải được phân loại, sàng lọc kỹ càng để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng chung không chỉ tại TPHCM mà trên cả nước.
Vì ai cũng muốn mua được các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn sức khỏe cho cả gia đình. Ở chiều ngược lại, khi cung ứng hàng hóa sạch cũng giúp bà con nông dân các tỉnh gia tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tại một cuộc họp vừa diễn ra ở TPHCM, đại diện Bộ NN-PTNT trăn trở, nước ta có hơn 9.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn không đáp ứng đủ lượng hàng cung cấp ra thị trường.
Vấn đề ở đây chính là việc định hướng cho bà con nông dân tập trung sản xuất theo nhu cầu thị trường, đẩy mạnh kết nối với các kênh phân phối hàng hóa lớn; trong đó yếu tố chất lượng, thực hành sản xuất an toàn cần được nâng cao…
Cách đây vài tuần, Sở Công thương tỉnh Long An đã có buổi làm việc với chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh (có mặt tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác) nhằm giới thiệu, phân phối các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo hữu cơ, rượu thanh long, mắm ruốc xào, chao sạch, dược phẩm, các sản phẩm chế biến từ chanh không hạt, khóm…
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, xác nhận thời gian vừa qua, Long An thực hiện kết nối cung - cầu khá đều đặn, chặt chẽ với TPHCM. Trong đó, bà con nông dân tại tỉnh đã triển khai tốt các quy định về sơ chế tại nguồn trước khi cung ứng sản phẩm cho thị trường TPHCM.
Bằng chứng là số hợp đồng được ký kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp của địa phương cũng như số lượng hàng hóa được tiêu thụ tại TPHCM ngày càng tăng cao.