Xa mà gần
Những ngày tết vừa qua, gia đình ông Tân - bà Mai (quê Phú Thọ) vắng bóng hẳn tiếng nói cười rộn ràng của con cháu. Trong nhà, ngoài hai ông bà đều đã bước qua tuổi 70, chỉ có duy nhất cậu con trai lớn làm gần nhà nên có thể về ăn tết cùng bố mẹ. Số còn lại, người đi lao động nước ngoài, người làm ăn xa đều không thể về vì dịch bệnh.
Nhưng, bà Mai chia sẻ hầu như ngày nào cũng được gặp con cháu bởi… cả gia đình cùng gọi nhóm qua ứng dụng mạng xã hội. Vậy là, câu chuyện nhà năm nay gói bao nhiêu chiếc bánh chưng, rồi chuẩn bị tết nhất có món gì, họ hàng những ai ghé thăm… ngày nào cũng được bà tường thuật lại cho con cháu. Trong khi đó, bà cũng được kể đủ thứ chuyện từ mỗi người con. “Dẫu chỉ được nhìn con cháu qua chiếc màn hình điện thoại bé xíu nhưng cứ thấy chúng nó khỏe mạnh là vui rồi”, bà Mai tâm sự.
Đã đặt vé về nhà ngày 28 tháng Chạp nhưng rồi quyết định ở lại vì lo diễn biến của dịch bệnh, nhưng chị Chung (quê Nam Định) cũng nhanh chóng vơi nỗi buồn. Bố mẹ ở quê giờ đã tân tiến hơn khi mỗi ngày cả nhà đều nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại.
Chị Chung kể, ngày nào nếu không thấy con cái gọi điện, ông bà đều tự khắc gọi. Nhìn mặt, nghe giọng nói của con, dẫu từ xa cũng thấy ấm lòng khi biết con vẫn khỏe mạnh, ăn tết đủ đầy.
“Trước đây, khi đề cập đến việc mua điện thoại thông minh để sử dụng, ông bà luôn miệng từ chối. Thậm chí, chúng tôi còn bị mắng vốn là vẽ chuyện, tốn kém vì gặp nhau phải ở ngoài đời chứ việc gì phải nhìn qua chiếc điện thoại bé xíu. Nhưng, khi con cái đi làm ăn xa không thể về nhà thường xuyên, kết nối qua điện thoại vừa nói chuyện, vừa nhìn thấy nhau, ông bà bắt đầu quen dần. Bà chỉ ông, ông chỉ bà, giờ cả hai đều đã thành thục việc gọi qua mạng cho con cái”, chị kể thêm.
Không chỉ những gia đình có con cái đi làm ăn xa, ngay cả việc sống cùng thành phố nhưng không phải lúc nào bố mẹ, con cái cũng được gặp nhau mỗi ngày. Vậy nên, khi được con gái đề nghị, bà Mai Phương (quận 9, TPHCM) lập tức đồng ý chuyện mua điện thoại để kết nối Internet.
Bà hào hứng: “Nhà không có việc gì ngoài chuyện cơm nước mỗi ngày nên cứ rảnh là gọi cho con cái, chị em trò chuyện. Trước đây, phải gặp nhau mới trò chuyện được, nhưng bây giờ, hiện đại quá, ngồi một chỗ có thể kết nối khắp mọi nơi”.
Kết nối ảo - yêu thương thật
Không thể phủ nhận, sự phát triển của công nghệ đã phủ sóng đến từng ngõ ngách của làng quê khiến việc kết nối trở nên dễ dàng hơn. Nhiều bậc ông bà, cha mẹ sau khi được con cháu hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh còn lập thêm tài khoản mạng xã hội, cập nhật chia sẻ hình ảnh của gia đình với con cái ở xa. Nào là vườn rau đang ở độ xanh tốt, vài con gà nuôi trong chuồng đã kịp lớn, những khóm hoa hồng đã nở rộ…
Bà Mai cho biết, hồi xa xưa, khi con cái đi làm ăn xa, phương tiện liên lạc ban đầu chỉ là những lá thư tay. Bà nói: “Lúc đó mắt còn sáng rõ nên bố mẹ - con cái vẫn cứ thư qua lại. Tuần nào cũng viết, gửi thư đi rồi mong nhận được thư lại. Sau đó, nhà lắp điện thoại bàn nhưng những cuộc gọi cũng không dám kéo dài vì sợ tốn tiền. Giờ đây, tôi không nghĩ là ngồi một chỗ ở nhà cũng có thể thấy con cái khắp mọi nơi mỗi ngày”.
Còn theo bà Phương, với những người già sống bằng lương hưu, mỗi tháng bỏ ra vài chục ngàn mà có thể nói chuyện, nhìn thấy nhau bất cứ lúc nào đúng là vừa tiện lợi, vừa rẻ hơn rất nhiều so với gọi điện thoại truyền thống.
Nhưng, sự hiện đại nào cũng có hai mặt. Đã có không ít cảnh báo về ảnh hưởng tiêu cực của việc lạm dụng công nghệ trong giao tiếp và kết nối gia đình. Nhất là khi, một bộ phận người trẻ cho rằng, chỉ cần gọi điện cho ông bà, bố mẹ qua mạng là đã đủ, thời gian rảnh có thể đi du lịch, đi chơi cùng bạn bè thay vì về nhà…
Như chị Chung chia sẻ, mỗi lần trò chuyện, dù không nói trực tiếp, nhưng ba mẹ chị luôn mong và nhắc khéo con cái về thăm nhà. Tương tự, dù ngày nào cũng nhìn thấy nhau nhưng bà Phương chia sẻ, những lần con cái về thăm là cả ông bà đều phấn chấn hơn, cứ ra ngóng vào trông.
“Biết con bận rộn nhưng những giây phút cả nhà cùng ngồi xuống, nói chuyện, ăn cùng nhau bữa cơm dù là vội vàng vẫn thấy thân tình hơn biết bao”, bà cho biết thêm.
Xét cho cùng, công nghệ chỉ là phương thức, phương tiện để kết nối. Xã hội hiện đại, mỗi gia đình không thể đứng ngoài hay cự tuyệt dòng chảy của sự hội nhập, phát triển. Công nghệ hiện đại, nếu biết dùng đúng cách, biết thế nào là đủ sẽ phát huy tác dụng kết nối các thành viên ở xa. Nhưng, nó không thể giúp và thay thế con người bộc lộ cảm xúc.
Quan trọng nhất, chúng ta cho phép công nghệ ảnh hưởng bao nhiêu đến sự giao tiếp của mỗi thành viên. Tình cảm gia đình là yếu tố thiêng liêng và nó luôn cần sự vun đắp bằng những yêu thương, kết nối thật. Những thiết bị thông minh, cần được sử dụng thông minh thay vì lạm dụng.