Gắn kết điện ảnh với các loại hình nghệ thuật

Điện ảnh luôn được xem là một môn nghệ thuật tổng hợp. Các nhà làm phim đã và đang nỗ lực để tăng tính liên kết giữa điện ảnh với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau để có được những tác phẩm chỉn chu, chất lượng.

Tính liên nghệ thuật

Tại buổi trò chuyện với chủ đề “Từ thị giác đến điện ảnh” diễn ra mới đây, họa sĩ - thiết kế mỹ thuật Trần Trung Lĩnh, đạo diễn Võ Thanh Hòa, diễn viên Lê Công Hoàng, nghệ sĩ thị giác Mzung Nguyễn và nhà báo Nam Thi, mỗi người mang đến sự kiện một câu chuyện, góc nhìn riêng biệt. Nhưng, ở họ có chung nhận định: Ngôn ngữ điện ảnh là một hình thái truyền thông thị giác.

Trong đó, các câu chuyện, thông điệp và cảm xúc được truyền tải thông qua hình ảnh và âm thanh. Nền tảng xây dựng của các nhân tố đó chính là kịch bản, kỹ thuật quay phim, ánh sáng, màu sắc, bố cục... Điều này cho thấy những yếu tố của các loại hình nghệ thuật đã có như: văn chương, âm nhạc, hội họa, múa... đã được ứng dụng, kết hợp với nhau và hoàn thiện để tạo ra các tác phẩm điện ảnh độc đáo, mãn nhãn.

“Các môn nghệ thuật có những cái chung và cái riêng, nhưng khi chúng kết hợp với nhau sẽ tạo ra tính liên kết, liên nghệ thuật. Đồng thời, đây sẽ là sợi dây gắn kết những nghệ sĩ ở các lĩnh vực đó lại gần hơn và bổ sung cho nhau”, nhà báo Nam Thi bày tỏ. Điện ảnh hay nghệ thuật trình diễn sân khấu có điểm chung rất lớn là tính không gian.

Tuy nhiên, trái ngược với không gian trong sân khấu được sử dụng để tạo ra các tương tác trực tiếp giữa nghệ sĩ với quang cảnh xung quanh, nghệ sĩ với khán giả..., không gian cho điện ảnh lại là không gian được tạo tác, chỉnh sửa, và sắp đặt có chủ ý để biểu đạt câu chuyện mà bộ phim muốn truyền tải đến khán giả.

V6A.jpg
Các khách mời tham gia talkshow Từ thị giác đến điện ảnh

Tự nhận mình là “người ngoại đạo” nhưng sau đó lại bén duyên trở thành một diễn viên điện ảnh, Lê Công Hoàng cho biết, bản thân gặp không ít khó khăn trong quá trình làm nghệ thuật. Chính anh cũng nhận ra một điểm chung đầy thú vị: “Các bộ môn nghệ thuật, đặc biệt là các sản phẩm nghe - nhìn đều có một cái nhịp. Khi mình hòa vào cái nhịp đó thì dù mình không hiểu nó, nhưng ít ra mình vẫn theo được và sau khoảng thời gian, mình sẽ hiểu nó hơn”.

Nghệ thuật và thương mại

Chia sẻ về tính nghệ thuật trong điện ảnh, họa sĩ - thiết kế mỹ thuật Trần Trung Lĩnh cho rằng, phim nghệ thuật hay phim thương mại là do khán giả tự đặt tên, phân định. Bởi lẽ dù là phim thương mại nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố cơ bản về nghệ thuật. Việc nhìn nhận và đánh giá các yếu tố nghệ thuật đó thế nào cũng tùy thuộc quan điểm của mỗi người.

“Nghệ thuật không phải là thứ cao siêu hay xa vời mà chúng ta phải mãi kiếm tìm. Mỗi khung hình trong phim đều cần được bố cục cẩn thận, đảm bảo tính thẩm mỹ trước khi đạo diễn tiến hành chỉ đạo diễn xuất. Bố cục đó đã đáp ứng được mong muốn của đoàn phim hay chưa? Đó chính là yếu tố tạo nên chất hội họa trong tác phẩm. “Đẹp chưa?” là câu hỏi đơn giản nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào thẩm mỹ của mỗi người”, họa sĩ Trần Trung Lĩnh bộc bạch.

Với đạo diễn Võ Thanh Hòa, trước khi bắt tay vào sản xuất một bộ phim, theo anh điều quan trọng cần xác định rõ, chúng ta sẽ làm sản phẩm đậm chất nghệ thuật hay sản phẩm thương mại thuần túy. Phim thương mại cần tập trung vào thị trường, khán giả và hướng đến nhu cầu của họ để mang đến tác phẩm có nội dung, hình thức và cả chiến lược quảng bá phù hợp. Trong khi đó, phim nghệ thuật là sản phẩm của “cái tôi” đạo diễn và biên kịch. Họ muốn truyền tải thông điệp, ý tưởng của mình đến công chúng thông qua tác phẩm. Phim nghệ thuật chú trọng vào việc xây dựng nội dung và sử dụng các yếu tố nghệ thuật một cách hiệu quả để truyền tải thông điệp một cách trọn vẹn nhất.

“Điều quan trọng nhất của một bộ phim vẫn là câu chuyện. Việc sử dụng các yếu tố nghệ thuật một cách hiệu quả sẽ giúp nâng tầm tác phẩm và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người xem”, đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ.

Từ góc độ và quan sát của cá nhân, nghệ sĩ đa phương tiện Mzung Nguyễn đưa ra lời khuyên dành cho các bạn trẻ: “Có những tác phẩm nghệ thuật chúng ta xem không hiểu. Tuy nhiên, mỗi lần xem lại, chúng ta có thể dần dần hiểu và cảm nhận được giá trị của tác phẩm. Nghệ thuật đương đại thường không có lời giải thích rõ ràng. Vì vậy việc xem nhiều tác phẩm và tìm hiểu về những nghệ sĩ sáng tác sẽ giúp chúng ta tiếp cận và học hỏi thêm về loại hình nghệ thuật này”.

Tin cùng chuyên mục