SHTP với 3 nhiệm vụ trọng tâm
Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đang phát triển mạnh mẽ, tổng giá trị xuất khẩu 4 năm đạt 46,36 tỷ USD, ước năm 2020 là 17,24 tỷ USD, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng KH-CN, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp (DN) SHTP ngày càng tăng: giai đoạn năm 2011 - 2015 đạt 123,36 triệu USD, giai đoạn 2016 - 2019 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 8,1 lần; dự kiến từ năm 2020, số thu ngân sách sẽ tăng cao do một số DN hết thời gian ưu đãi.
SHTP đang bước qua giai đoạn phát triển mới, đặc biệt từ năm 2021 - 2025 với định hướng trở thành Khu công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo. Ban quản lý SHTP đã tích cực đẩy mạnh chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao tại SHTP, và giá trị gia tăng nội địa đã tăng dần qua các năm.
Nâng cao thêm một bước, SHTP ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý hành chính, hướng đến mô hình quản trị hiện đại; nâng cấp Trung tâm R&D thành Viện Nghiên cứu triển khai, Vườn ươm thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Trung tâm Đào tạo thành Viện Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… SHTP tăng cường kết nối DN FDI với DN Việt Nam; kết nối Đại học Quốc gia TPHCM với các DN; hợp tác song phương và đa phương giữa các chuyên gia khoa học - công nghệ, giữa chuyên gia với DN…
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP cho biết, hướng phát triển tiếp theo của SHTP sẽ gắn liền với Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. SHTP được xác định là một trong những trung tâm sáng tạo hạt nhân, là động cơ tăng trưởng kinh tế mới của TPHCM trong giai đoạn tới.
Để thực hiện nhiệm vụ này, SHTP sẽ tập trung thực hiện 3 mũi đột phá. Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Thứ hai, đẩy nhanh việc triển khai, đưa vào hoạt động có hiệu quả các dự án đầu tư thuộc Khu không gian khoa học (quy mô 93ha), khu trái tim của SHTP hiện hữu, tăng cường sự gắn kết giữa các DN, đơn vị bên trong SHTP; giữa các DN, đơn vị bên trong SHTP với các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực, đặc biệt là với Đại học Quốc gia TPHCM nhằm nâng cao một mức tiềm lực đổi mới sáng tạo, tỷ trọng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của các DN trong nước trong SHTP.
Thứ ba, đẩy nhanh triển khai Công viên KH-CN có tính chất là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng KH-CN; liên kết và bổ sung các chức năng cho SHTP hiện hữu, làm cơ sở nghiên cứu Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM
Đại học Quốc gia TPHCM sẵn sàng kết nối
Thực tế cho thấy, ở nhiều quốc gia, khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các đại học nghiên cứu, đóng vai trò là hạt nhân về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, ươm mầm các DN tiềm năng, là trung tâm của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Ngay từ khi thành lập, Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM được hình thành ở khu vực phía Đông TPHCM - Dĩ An (Bình Dương) và là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu KH-CN đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Với tổng diện tích khoảng hơn 643ha theo mô hình đô thị đại học hiện đại, Đại học Quốc gia TPHCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất cả nước với 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc và 8 đơn vị thành viên. Nơi đây hiện có hơn 69.000 sinh viên đại học chính quy, cùng đội ngũ nhà khoa học hùng hậu với hơn 400 giáo sư, phó giáo sư và hơn 1.300 tiến sĩ.
Ngay sau khi TPHCM có chủ trương xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM gần 2 năm, Đại học Quốc gia TPHCM đã giao cho Khu công nghệ phần mềm (ITP) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM làm đầu mối công việc và hình thành một nhóm nghiên cứu về đô thị sáng tạo phía Đông.
Sau điều chỉnh, khu vực này có chức năng kết nối, hỗ trợ cho 2 khu vực trung tâm của khu đô thị sáng tạo tương tác cao, có thể hình thành một trung tâm đổi mới và hỗ trợ khởi nghiệp. ITP được định hướng phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng đến xây dựng ITP thành trung tâm của khởi nghiệp và sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam.
Theo lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM, mô hình được TPHCM lựa chọn xây dựng là sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà DN và Nhà nước. Với vài trò, vị trí và những lợi thế sẵn có, Đại học Quốc gia TPHCM thích hợp là một trung tâm kết nối, chuyển giao công nghệ của mô hình mà TPHCM lựa chọn. Đại học Quốc gia TPHCM là hạt nhân chính của mô hình này trong khu đô thị sáng tạo tương tác cao, là nơi cung cấp và sở hữu giới trí thức chính của thành phố…
Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM sẽ kết nối 3 chức năng gồm: Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng KH-CN; Trung tâm Giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; Trung tâm Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao. Đây sẽ là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. |