Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nêu rõ, người dùng nên đăng ký tài khoản thật, thực hiện các biện pháp bảo mật, chia sẻ thông tin có độ tin cậy, có lối ứng xử phù hợp giá trị truyền thống… Chị Thanh Thanh (32 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết, chị ủng hộ những điều này. Chị kể, nhiều lúc lướt mạng chưa kịp xem bạn bè mình đăng tải những gì thì những quảng cáo, gợi ý theo dõi trang này trang kia đã tràn ngập. “Nhiều bài quảng cáo sinh lý, tình dục, truyện nhảm nhí… hiện lên với nội dung phản cảm. Tôi ẩn đi hoặc báo cáo, nhưng bữa sau lại hiện lên. Một số người nổi tiếng cũng quảng cáo sai sự thật, chẳng biết đâu mà lần”, chị nói. Chưa kể, con trai chị lâu lâu cũng cầm điện thoại mẹ xem Facebook, có khi lướt trúng video có cách nói chuyện thô tục, khiến bé tò mò nói theo.
Còn anh Minh Trung (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, Facebook từng gửi mã xác nhận vào điện thoại anh do có người lạ muốn đăng nhập. Anh nói: “Tôi cũng từng bị giả mạo trang Facebook, tài khoản ảo này đã đóng vai tôi mượn tiền bạn bè. Tôi xài tên thật, đăng ký thông tin đầy đủ với Facebook, nhưng lâu lâu lại bị như vậy”. Anh cũng hay bị đánh dấu (tag) vào những dòng trạng thái “lãng xẹt”, phiền nhất là bỗng dưng bị tham gia một nhóm lạ hoắc trong tin nhắn Facebook. “Tôi không có nhu cầu tìm hiểu tâm linh, chat với người lạ…, nhưng không hiểu sao cứ bị vào mấy nhóm đó. Nếu Bộ Quy tắc ứng xử hạn chế được mấy vụ này thì tốt quá”, anh chia sẻ.
Những ngày qua, Facebook cũng xôn xao với những buổi livestream “bóc phốt” một số nhân vật nổi tiếng; rồi những hội nhóm hàng trăm ngàn người tham gia để theo dõi, bóc mẽ giới showbiz, hội fan cuồng lăng mạ người khác để bảo vệ thần tượng. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, không ít bạn cũng đã chia sẻ những thông tin chưa chính xác về khu vực phong tỏa, thời gian giãn cách, chất lượng vaccine… Nhiều bạn hồn nhiên cho rằng, cứ việc đăng tải, bị phản ứng thì xóa hoặc ẩn đi là xong. Nhưng nếu đó là những thông tin vi phạm pháp luật, ảnh hưởng quyền riêng tư của người khác, gây tổn thất tinh thần, dù ta có xóa ngay cũng không tránh khỏi việc chịu trách nhiệm. Chưa kể, những dòng trạng thái, bình luận nhất thời sẽ làm tổn thương người khác và làm cho hình ảnh của mình xấu đi.
Không thể phủ nhận mạng xã hội có những tác dụng tích cực, giúp lan truyền thông tin hữu ích cho cộng đồng. Mạng xã hội còn là cầu nối cho nhiều mảnh đời bất hạnh được giúp đỡ, nhiều ước mơ thành sự thật. Bộ Quy tắc ứng xử như một thao tác gạn đục khơi trong, mong rằng sẽ góp phần dọn bớt “rác” trên không gian mạng.