Nhớ một chuyện nhỏ mà ý nghĩa không nhỏ khi tham dự hội nghị bề thế đánh giá văn học sau 30 năm đổi mới được tổ chức ở Tam Đảo cách nay ít lâu. Số là buổi tối sau một ngày choáng ngợp với những phát biểu có cánh của các cây đa, cây đề, gạo cội trong làng văn, thơ, lý luận phê bình, chúng tôi ngồi thư giãn ở một quán cà phê ven đường. Khỏi phải nói tâm trạng phấn khích bao trùm trong lớp sương mù huyền ảo của xứ sở còn u buồn hơn Đà Lạt: người đọc thơ, người vung tay kể những giai thoại đời văn, đời người; người lơ đãng lắng nghe và thi thoảng tủm tỉm cười… Nói chung là vui vì như ai nói “văn chương tụ tập lại mà không có xô xát là thành công lắm rồi!”. Bỗng nhà văn Trần Bảo Hưng, người chuyên sâu về văn học dân gian quay sang tôi thầm thì: “Các cậu làm báo nhưng dùng từ nhiều khi sai thê thảm, chẳng hạn tả tâm trạng lâng lâng sau chén chú chén anh thì thường hay dẫn thành ngữ “chân nam đá chân siêu” đúng không?”. Hỏi rồi, nhà văn - cái gì cũng biết, có gốc gác thành Nam - cười láu lỉnh giải thích rõ chữ “nam” và “siêu” chẳng có nghĩa gì, chính xác là “chân đăm đá chân chiêu”, đăm là phải còn chiêu là trái, nghĩa là chân phải đá chân trái, nó lộn xộn, linh tinh.
Tôi giật mình vì khoảng trống vắng mênh mang trong khối kiến thức thu thập. Như mình hay nói đang đăm chiêu suy nghĩ thì ngữ nghĩa phải là nghiêng phải, nghiêng trái, tức là phải tập trung cao độ cho một vấn đề đặt ra. Đó mới là chuẩn không cần chỉnh. Và trong tâm thế ấy, khi đọc những ý kiến trái chiều về phát biểu của PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) rằng muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán và cần phải đưa chữ Hán - Nôm vào dạy học sớm cho học sinh - thì tôi và các bạn cũng muốn “chân đăm đá chân chiêu”. Ý của PGS-TS Đoàn Lê Giang thật ra là ý tốt, một ý tưởng trong lời giải cho bài toán cứu nguy tiếng Việt và hiểu đúng tiếng Việt. Nhưng lẽ ra PGS-TS Đoàn Lê Giang “mềm hóa” hơn, giải thích rõ hơn rằng chữ Hán - như một nhà nghiên cứu phát biểu - là tiếng Việt được sử dụng cả mấy ngàn năm, trước khi chúng ta sử dụng chữ Latin thay thế, chứ không phải là một ngoại ngữ (tiếng Trung) như có người hiểu lầm - thì tình thế hẳn khác hơn, sẽ ít hơn “gạch đá” ném tới tấp trên mạng như hiện tại. Tất nhiên phải phản bác những ý kiến bài xích, cực đoan kiểu “con đường số bảy của ta/nó đi theo giặc ta đào nó đây”, cứ ghét là chửi xối xả mà không suy nghĩ cái lý, cái tình của vấn đề đặt ra. Ở đây, cũng phải nói chữ Hán và một nền văn minh vĩ đại gắn với nó đáng để học, để nghiên cứu, để hiểu hơn những tinh hoa quá khứ của dân tộc, nhằm hướng tới tương lai.
Song cũng phải hiểu thực tế học chữ Hán và chữ Nôm - sản phẩm của người Việt, dùng nguyên liệu chữ Hán để chế tác ra văn tự mới của mình theo quy luật ngôn ngữ của tiếng Việt - là loại chữ tượng hình phức tạp, rất khó học, khó nhớ “biết một chữ là chết liền” và đến ngay người Trung Quốc cũng phải dùng loại chữ Hán giản thể, có cấu tạo đơn giản, dễ nhớ hơn chữ Hán ngày xưa. Bởi vậy, học được thì tốt mà không bắt buộc học cũng tốt. Nắm vững chúng chỉ có lợi cho giới nghiên cứu cần vốn “thâm nho” còn đại chúng hóa thì e rằng đó là nhiệm vụ bất khả thi. Nói đâu xa, ngay tiếng Anh, chúng ta đã dạy đại trà cả chục năm mà vẫn bết bát với điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông chỉ ở mức 2,4/10 như năm vừa rồi. Nguyên nhân có nhiều, ai cũng rõ như thiếu hụt đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất yếu kém, chương trình và nội dung giảng dạy có vấn đề, học ngữ pháp nhiều hơn nói… và tiếng Anh còn vậy thì môn Hán - Nôm nếu có bắt học thì e rằng kết cuộc sẽ còn thê thảm gấp nhiều lần. Bởi vậy nên cái cần nhất vẫn là đầu tư đúng trọng điểm, không dàn trải. Mà ở đây chính là tích hợp chữ Hán vào phần học Ngữ văn trung học, đại học do giáo viên ngữ văn đảm nhiệm. Sâu xa hơn, để hiểu tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ta rất cần dạy từ Hán Việt cho học sinh. Như PGS-TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, ĐH KHXH-NV Hà Nội, tâm đắc: “Chìa khóa là ở đây. Từ Hán Việt chứ không phải là chữ Hán mới là mục tiêu cần dạy cho học sinh”.
Bản thân tiếng Việt đã quá đẹp, quá giàu âm nghĩa. Lấy ví dụ như khi nghe quan họ Bắc Ninh ta không thể hình dung còn ngôn ngữ nào làm say đắm lòng người hơn, kể cả tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật... Nhưng rất tiếc các nghệ sĩ lại hát không chính xác (mà có thể không hiểu) dẫn đến triệt tiêu cái hồn của “lúng liếng là lúng liếng ơi”. Có thể dẫn 2 câu quan họ tuyệt đẹp “Người về em dặn tái hồi/Yêu em xin nhớ đừng ngồi với ai”. Song khi trình diễn, các liền anh, liền chị lại biến tấu “Yêu em xin chớ đừng ngồi với ai”. Đó là điều không thể chấp nhận khi lời dặn ngọt ngào vậy bỗng chốc mang tính mệnh lệnh, bắt buộc. Và sử dụng tiếng Việt không đúng thì còn đâu hồn dân tộc. Rõ ràng, công cuộc “gạn đục, khơi trong” tiếng Việt đang rất cần một cú hích mà cuộc tranh luận về chữ Hán - Nôm, Hán Việt vừa qua là khá bổ ích và thiết thực.
BÍCH AN