Tham dự và chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, phải tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự. Đồng thời, ngành thực hiện tốt các nguyên tắc của tố tụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo chặt chẽ, trọng chứng hơn trọng cung; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; vừa đảm bảo xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, vụ lợi, đồng thời đảm bảo tính nhân văn, thuyết phục.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Chủ tịch nước cũng đề nghị toàn ngành kiểm sát tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên và người đứng đầu các cấp. Với truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới và trách nhiệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng ngành kiểm sát tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trước đó, báo cáo kết quả công tác năm 2022, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, ngành kiểm sát đã phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới hơn 86.000 vụ án hình sự, tăng 2,4% so với năm 2021. Ngành kiểm sát đã xác định chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành.