Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về công tác đảm bảo ATGT trong những ngày Tết Tân Sửu đang tới gần?
* Ông KHUẤT VIỆT HÙNG: Chúng tôi vừa tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tại một số địa phương về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 1711/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, ATGT gắn với phòng chống Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc tổ chức thực hiện tại hiện trường cũng như công tác kiểm tra, đôn đốc của lực lượng chức năng còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trên thực tế, tại nhiều địa phương vẫn tồn tại tình trạng xe ô tô chở khách đi những tuyến đường dài, qua nhiều chốt, trạm kiểm tra mà không bị phát hiện những hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATGT, vận chuyển hàng hóa trên nóc xe, không rút hết nhiên liệu trước khi vận chuyển mô tô, xe máy trong hầm hàng hoá, chưa thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải… Chúng tôi đã chấn chỉnh các địa phương này và yêu cầu siết chặt công tác đảm bảo ATGT, an toàn phòng dịch.
Trong năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí nhưng vẫn có những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng lưu lượng phương tiện giảm có thể làm tài xế chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu dẫn đến nguy cơ tai nạn cao hơn. Đây có phải là vấn đề cần chú ý khi Tết Nguyên Đán Tân Sửu cũng dự báo sẽ có nhu cầu đi lại giảm do lo ngại dịch lây lan?
* Đúng là lưu lượng phương tiện giảm có thể khiến các phương tiên lưu thông với tốc độ cao hơn, cũng giống như đường đẹp, đường vắng vào ban đêm, sáng sớm thường xảy ra tai nạn nhiều hơn, do sự chủ quan của các tài xế. Vì vậy, các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT sẽ phải triển khai quyết liệt hơn. Quan điểm của Uỷ ban ATGT Quốc gia là, giao thông cần thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa trong dịp cao điểm nhưng phải gắn liền việc bảo đảm trật tự ATGT với an toàn phòng dịch.
Theo kế hoạch, lực lượng chức năng trên toàn quốc sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là các hành vi chở quá số người quy định, chở hàng quá tải trọng, vận chuyển hàng cấm, hàng có nguy cơ cháy nổ; tài xế sử dụng chất ma túy, đồ uống có cồn, không đội nón bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép… Đồng thời, các hành vi cố tình vi phạm quy định phòng dịch cũng sẽ bị xử lý.
Các đầu mối, phương tiện giao thông là những nơi rất dễ lây lan dịch bệnh, trong khi đó, nhu cầu đi lại dịp tết lại tăng cao, theo ông, các biện pháp đang áp dụng đã đủ để kiểm soát và phòng ngừa được dịch bệnh?
* Có rất nhiều biện pháp đang được triển khai tốt, ví dụ như thực hiện 5K trong phòng chống dịch Covid19 (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung và Khai báo Y tế). Mới đây, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nâng mức cảnh báo, cảnh giác phòng chống dịch lên mức cao nhất, đặc biệt tại các nhà ga hàng không, đường sắt, bến tàu, bến xe và trên các phương tiện giao thông công cộng. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng được yêu cầu khẩn trương cập nhật thông tin lên ứng dụng “An toàn Covid-19”, những doanh nghiệp không đảm bảo an toàn phòng dịch sẽ bị tạm dừng hoạt động.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh thực hiện dừng, giãn, hoãn, điều chỉnh tần suất hoạt động vận chuyển đối với vận tải công cộng căn cứ tình hình dịch bệnh… Tôi cho rằng nếu thực hiện tốt các biện pháp đã có chúng ta sẽ ngăn chặn được nguy cơ lây lan dịch bệnh ra công đồng từ hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa. Để đảm bảo các biện pháp được thực hiện nghiêm, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra trên các tuyến giao thông trọng điểm, các đầu mối giao thông lớn, bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng… Cá nhân, đơn vị nào lơ là trong chống dịch, để xảy ra lây lan dịch bệnh sẽ bị quy trách nhiệm cụ thể và xử lý nghiêm khắc.
Năm 2020, việc thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực giao thông đã phát huy tác dụng tích cực trong việc giảm tai nạn giao thông, nhưng trong dịp tết năm nay, khi dịch diễn biến phức tạp, việc kiểm tra nồng độ cồn liệu có khó khăn khi phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch không và có được thực hiện nghiêm hay không, thưa ông?
* Ngay từ đầu năm 2020, khi triển khai thực hiện Nghị định 100 trong điều kiện có dịch bệnh Covid-19, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết thực hiện xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn với yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch bệnh cho người thực thi công vụ, người được kiểm tra nồng độ cồn và cộng đồng. Suốt thời gian qua, việc thực hiện xử lý vi phạm vẫn được triển khai quyết liệt, nghiêm túc và an toàn, tuyệt đối không có trường hợp nào lây nhiễm Covid-19 hay bệnh truyền nhiễm nào khác qua công tác bảo đảm ATGT. Các lực lượng chức năng, nòng cốt là CSGT đã có kinh nghiệm tốt để có thể tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm hiệu quả Nghị định 100 cũng như kết hợp thực hiện NĐ117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cảm ơn ông!