Trong số này, có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế thôi việc, bỏ việc cao như: TPHCM có 2.035 người, Hà Nội có 1.032 người, Đồng Nai 496 người, Bình Dương 368 người…
Theo Bộ Y tế, có nhiều lý do khiến nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là áp lực công việc cao. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi hầu như không có ngày nghỉ, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn. Hơn nữa, tình trạng phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.
Lý do thứ hai là thu nhập thấp. Bộ Y tế phân tích, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sĩ sau khi học 6 năm cộng với 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng/tháng. Với phụ cấp ưu đãi nghề 40% thì tổng mức thu nhập là 4.881.240 đồng/người/tháng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống nên khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi gấp 5-6 lần.