Tại buổi họp báo, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 24-5, cả nước có 764.314 doanh nghiệp trong nước (chiếm 92,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay) và 52.778 hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký chuyển đổi sử dụng sang HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Số lượng HĐĐT mà cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý là hơn 318 triệu hóa đơn.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, năng lực vận hành của hệ thống cổng thông tin xử lý HĐĐT hiện nay được đánh giá rất tốt, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ xử lý từ 6,5-7 tỷ HĐĐT. Một trong những mục tiêu mà cơ quan thuế đặt ra hiện nay là sẽ “phủ sóng” HĐĐT đến toàn bộ các hộ và cá nhân kinh doanh trong thời gian tới. Để khuyến khích sự chuyển đổi này, Tổng cục Thuế đã có quy định trong vòng 12 tháng kể từ ngày đăng ký sử dụng HĐĐT trên hệ thống cổng thông tin, các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh sẽ không phải trả chi phí khi sử dụng dịch vụ.
Một trong những vướng mắc mà một số doanh nghiệp đang gặp phải khi chuyển đổi sang HĐĐT hiện nay là một số địa phương chưa có sự thống nhất giữa cơ quan thuế với cơ quan công an về loại hóa đơn.
Đơn cử như một số doanh nghiệp kinh doanh ô tô, xe máy, cơ quan công an khi kiểm tra vẫn yêu cầu hóa đơn giấy. Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới sẽ giải quyết tình trạng này bằng cơ chế liên thông, phối hợp cung cấp dữ liệu giữa cơ quan thuế với cơ quan công an, hải quan và quản lý thị trường, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người nộp thuế.
Mục tiêu được đặt ra là đến ngày 1-7, toàn bộ người nộp thuế sẽ chuyển sang sử dụng HĐĐT.