90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam sáng nay, 5-12, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát do VCCI thực hiện từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9-2021 với gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp bị tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”. Con số này tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 2020.
Cụ thể, trong khảo sát năm 2021 có khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch Covid-19 “phần lớn là tiêu cực”. Đáng lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp nhận định dịch Covid -19 tác động “hoàn toàn tiêu cực” lên tới 34%, cao đáng kể so với mức 15% của khảo sát năm 2020. Khảo sát tháng 9-2021 cũng ghi nhận chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch và chưa đến 2% doanh nghiệp cho biết nắm bắt được cơ hội để phát triển.
Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều phải đương đầu với các khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Khảo sát cho thấy những ngành thường xuyên đòi hỏi sự giao tiếp trực tiếp hoặc liên quan đến sự di chuyển của con người bị tác động tiêu cực lớn nhất bởi dịch bệnh, cụ thể 99% doanh nghiệp trong các ngành giáo dục đào tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, y tế và trợ giúp xã hội… chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn tiêu cực và hoàn toàn tiêu cực. Mức độ tác động của dịch Covid-19 thấp nhất ở nhóm doanh nghiệp trong các ngành như sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng và cung cấp nước, xử lý rác thải, song cũng lần lượt có 88,2% và 76,5% doanh nghiệp trong những ngành này cho biết chịu tác động tiêu cực.
Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Tình trạng này tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp, trong đó khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động. Giá trị này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.
Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ. Trên 97% doanh nghiệp ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính, dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này cho người lao động thôi việc. Tỷ lệ tương ứng ở các khu vực khác thấp hơn 90% nhưng cũng tương đối cao; nơi ít nhất là đồng bằng sông Hồng, nhưng cũng có 78% doanh nghiệp phải giảm số lao động.
Về chuỗi giá trị, trung bình có 96,2% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong đó, đại dịch khiến khoảng 61,8% doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, dịch bệnh gây đình đốn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khiến việc quản lý tài sản, dòng tiền trở thành một thách thức lớn.
Đề xuất các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh: “Cần tránh tuyệt đối việc áp dụng máy móc và cực đoan các biện pháp hạn chế, phong tỏa do dịch Covid-19 để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã... chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19... Các cơ quan chức năng cũng cân nhắc chính sách miễn, giãn nộp ngân sách nhà nước với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi. Cụ thể là với với các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, các chính sách hỗ trợ cần chú trọng thêm về thuế giá trị gia tăng thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ trong trả lương cho người lao động, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng thay vì chính sách không tính lãi cho doanh nghiệp như hiện nay.
Chuyển hẳn sang giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng là một khuyến nghị khác từ chuyên gia này. “Tất cả các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần chấp thuận các các hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi online trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Việc đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 cũng rất quan trọng bên cạnh tạo thuận lợi cho các ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính để thay thế cho các hình thức nộp hồ sơ giấy trước đây”, ông nói.
Đặc biệt, Chính phủ cần có sự chỉ đạo thống nhất chung đối với các bộ ngành và địa phương, tránh tình trạng "cát cứ" mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp, làm tăng chi phí, tăng giá thành sản phẩm dịch vụ. Cần đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.