Ngày 3-12, tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và đề ra định hướng cho giai đoạn mới 2021-2025.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, tính đến tháng 11-2020, ở khu vực đặc biệt khó khăn (miền núi, bãi ngang, hải đảo) mới có 15 trong tổng số 108 xã (13,9%) thuộc 4 đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng thời, có 130 trong tổng số 1.111 xã thuộc 85 huyện nghèo (xác định theo Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, về cấp huyện thì đến nay mới có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng 32 huyện (50%) thoát khỏi huyện nghèo, nhưng chưa có huyện nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở khu vực đặc biệt này.
Theo Bộ NN-PTNT, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua, tổng nguồn lực huy động đầu tư cho chương trình này tại khu vực đặc biệt khó khăn lên tới 791.909 tỷ đồng bằng 38,1% tổng vốn huy động của cả nước (cả nước là 2.079.819 tỷ đồng).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tiếp tục hỗ trợ các địa phương ở vùng đặc biệt khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các vùng, miền khác của cả nước trong giai đoạn 2021-2025.
Cùng với tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực đặc biệt khó khăn này, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trên địa bàn nông thôn gắn với củng cố quốc phòng và giữ vững, bảo vệ chủ quyền, biên giới của Tổ quốc.