Nhìn về đất liền “mong một phép màu”
Đang được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, anh Đặng Văn Nghị (1987, quê Thanh Hóa, 1 trong các thuyền viên được cứu hộ trong ngày 11-10) vẫn chưa hết bàng hoàng sau hơn 3 ngày bám ống khói tàu gặp nạn ngoài biển.
Anh chia sẻ: “Đây thực sự là một điều may mắn. Sau nhiều ngày lênh đênh, đói rét, mọi người ở trong không gian chật hẹp, bám trụ nơi ống khói bị sóng biển đánh dập liên tục, giờ đã được cứu, nằm ở đây”.
Nhớ lại thời gian tàu bị sóng đánh chìm, lúc đó khoảng gần 4 giờ ngày 8-10, những con sóng, gió dồn dập, đánh mạnh vào tàu, anh Nghị chia sẻ: “Bình thường, tàu khi neo đậu để làm việc sẽ có trụ đóng sâu xuống biển để giữ, chịu được sóng to gió lớn. Tuy nhiên, hôm đó, tàu mới làm xong công trường ở Quảng Trị để chuẩn bị kéo ra Hải Phòng thì mới nhấc cọc lên để dùng neo giữ thì bị sóng đánh trôi ra xa. Khi thuyền bị trôi, điện thoại vẫn dùng được, tôi đã gọi thông báo cho gia đình rằng mình không sao, nhưng sau đó thuyền bị dòng nước xoáy, sóng đánh va đập mạnh nên tàu chìm nhanh. Cùng với đó, sóng gió lớn nên không kịp lấy theo gì hết. Nhiều ngày không có lương thực, thực phẩm, điện thoại cũng bị ướt hết nên không thể liên lạc được với ai trên bờ”,
Hy vọng rồi lại tuyệt vọng, khi mọi người trông chờ nghe được tiếng loa phát ra từ đất liền “Một tàu cứu hộ đang hướng về”, nhưng rồi lại phải quay lại vì sóng to, gió lớn, không thể tiếp cận được.
Nhiều lần nghĩ tới việc liều mạng nhảy xuống biển, bơi vào nhưng vì trong nhóm có người yếu, người bị thương nặng nên không thể bỏ mọi người ở lại. Sóng rất lớn, nếu bơi vào thì khả năng sống sót thấp. Nhiều ngày không có thức ăn, không có nước uống, có người vì không chịu được đói khát nên đã uống nước biển cầm cự, dù biết uống vào rất nguy hiểm. Có người uống nhiều nước biển nên bị đau bụng quằn quại, rồi nói mê sảng: “Mấy đứa lấy cho anh cốc nước gừng”. Các thuyền viên phải chắt từng giọt nước còn đọng lại sau mưa để làm giảm cơn khát.
8 người trên tàu Vietship 01 hiện sức khỏe đã ổn định, ăn uống bình thường. Tuy nhiên, theo bác sĩ điều trị tiên lượng, các bệnh nhân có nguy cơ viêm phổi do lạnh, hiện vẫn phải nằm viện để điều trị nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, bù nước điện giải và dự phòng viêm phổi. |
Những tấm lòng vàng nơi làng biển
Ngư dân tham gia cứu hộ các thuyền viên không may tàu bị đắm, mắc kẹt lại trên tàu Vietship 01, anh Trần Xuân Cường (SN 1993, thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh) chia sẻ: “Tôi đi biển, tàu thuyền gặp nạn thì cùng hỗ trợ nhau, nên cũng quen. Trước đây, tôi cũng đã từng tham gia cứu hộ nhiều trường hợp gặp nạn khác, không chỉ riêng tôi mà mọi người khi thấy tàu gặp nạn đều sẵn sàng hỗ trợ nhau”.
Tham gia cứu hộ trong tình hình thời tiết sóng to, gió lớn có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhưng anh Cường nghĩ "mình là người đi biển, khi lực lượng chức năng kêu gọi, mình có thể giúp gì được họ thì mình sẵn sàng ngay, không nghĩ gì nhiều”. Anh cũng là người cuối cùng được các đặc công nước đưa lên bờ an toàn trong niềm vui vỡ òa của hàng ngàn người dân.
Ông Nguyễn Hữu Ánh (58 tuổi, quê Hà Tĩnh, là người thân của thuyền viên gặp nạn) chia sẻ: “Sau khi nghe tin tàu gặp nạn trong đó có con trai mình, tôi rất lo lắng. Giờ con trai tôi đã được cứu, sức khỏe đã ổn định, chẳng biết nói gì. Tôi chỉ biết cảm ơn các ngư dân tỉnh Quảng Trị đã quên mình để tham gia cứu hộ, cám ơn lực lượng chức năng đã nỗ lực hết sức cứu giúp con tôi cùng mọi người”.
Sáng nay, 12-10, tại UBND thị trấn Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi lễ tuyên dương, khen thưởng những nỗ lực trong quá trình cứu hộ, trao tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 16 cá nhân là các ngư dân, các tổ tự quản tàu thuyền... có tinh thần quả cảm, xả thân quên mình để cứu hộ các thành viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01 trong những ngày qua.
Trước đó, trong chiều 11-10, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cũng đã khen thưởng đột xuất 3 tập thể và 12 cá nhân của các tổ tự quản tàu thuyền an toàn đã tham gia tích cực cùng với lực lượng chức năng trong công tác cứu người bị nạn trên biển.