Trong mấy ngày qua, báo chí đề cập nhiều đến Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” của Bộ GD-ĐT.
Về nội dung này, Bộ GD-ĐT đã có thông tin phản hồi làm rõ. Bộ GD-ĐT cho hay, Bộ đã triển khai đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ từ năm 2015, tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH-CĐ.
Để đảm bảo sự ổn định và làm cơ sở để tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ từ năm 2021 trở đi phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT đã xây dựng Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”.
Cụ thể, nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi. Do vậy, Bộ trưởng đã chỉ đạo thu hồi Đề án để tiếp tục hoàn thiện.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết con số hơn 749 tỷ đồng là khái toán cho 3 năm từ 2018-2020; Bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ.
Ví dụ kinh phí từ Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Dự án Hỗ trợ Đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP). Cách khái toán này đã dẫn đến sự không thống nhất trong cách hiểu, cần phải nghiên cứu điều chỉnh cả nội dung và vấn đề tài chính khi soạn thảo Đề án.
“Bộ trưởng đã chỉ đạo bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán các nội dung về tài chính”, theo Bộ GD-ĐT.
Trước đó, theo đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020", khái toán tổng kinh phí thực hiện trong 3 năm, từ năm 2018-2020 là hơn 749 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 sẽ chi hơn 344 tỷ đồng, năm 2019 chi hơn 203,6 tỷ đồng và năm 2020 chi hơn 201,6 tỷ đồng.
Điều đáng nói là tuy có đề án này nhưng về cơ bản trong 3 năm thực hiện (từ năm 2018-2020), kỳ thi THPT quốc gia không thay đổi so với phương án thi THPT quốc gia đã thực hiện năm 2017 và phương thức thi THPT quốc gia năm 2018 đã công bố.
Và chính Bộ GD-ĐT cũng đã nhiều lần khẳng định, "kỳ thi THPT quốc gia sẽ ổn định từ nay đến năm 2020, sau 2021 mới có sự thay đổi để thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới".
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT phải “xử lý” các thông tin liên quan đến tài chính của các đề án.
Trước đó, hồi năm 2014, dư luận đã rất "sững sờ" với con số kinh phí 34.275 tỷ đồng để thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 khi chuẩn bị trình ra Quốc hội. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khi đó đính chính con số này không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; con số đó là khái toán tổng hợp từ kết quả của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau, kinh phí bao gồm đào tạo lại đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị và nhiều công việc khác. Riêng về biên soạn sách giáo khoa, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng.
Tiếp đó, những đề án khác như 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ cũng khiến xã hội “giật mình”.