“Việc giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân (TAND) là phương thức giải quyết tốt nhất, ít tốn kém nhân lực, tiền bạc, thời gian hơn giải quyết bằng tranh tụng”, ông Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, thông tin như trên tại Hội nghị giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp TPHCM diễn ra vào ngày 8-3.
Hòa giải, đối thoại là thủ tục có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp các đương sự thỏa thuận với nhau trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự và đối thoại thành trong khiếu kiện hành chính. Tại TPHCM, từ tháng 11-2018 có 10 trung tâm hòa giải, đối thoại (gọi tắt là trung tâm) tại TAND thí điểm đi vào hoạt động; bao gồm trung tâm tại TAND TPHCM và 9 trung tâm tại 9 TAND quận, huyện (quận 1, quận 2, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi). Chánh án TAND TPHCM Ung Thị Xuân Hương cho biết: Qua 3 tháng thí điểm, tính đến ngày 15-2-2019, các trung tâm tiếp nhận 4.023 đơn khởi kiện từ tòa án chuyển qua để thực hiện hòa giải, đối thoại. Trong số 2.202 trường hợp được các trung tâm đưa ra hòa giải, đối thoại, có 1.580 trường hợp hòa giải, đối thoại thành, đạt tỷ lệ 71,8%.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TPHCM, đánh giá cao kết quả bước đầu đáng khích lệ trong hoạt động của các trung tâm; bày tỏ tin tưởng các hòa giải viên, đối thoại viên bằng năng lực, kinh nghiệm của bản thân đã từng kinh qua trong công tác xét xử, hòa giải sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần thực hiện thành công thí điểm tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại TAND trong giải quyết án dân sự, hành chính. Đồng chí Trần Thế Lưu đề nghị trong thời gian tới, các lãnh đạo sở ngành thành phố, UBND 24 quận, huyện chủ động phân công cán bộ có chuyên môn phù hợp tham gia các buổi hòa giải, đối thoại đúng thời hạn; cung cấp tài liệu, chứng cứ khi có văn bản yêu cầu của các trung tâm. Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, Ban Chấp hành Hội Luật gia TPHCM tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ luật sư, luật gia khi tham gia các vụ việc tại TAND cần hợp tác, hỗ trợ các trung tâm để người dân hiểu rõ hơn vai trò của các trung tâm...