Ngày 14-1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ GD-ĐT.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu rõ, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Tính đến ngày 9-1, cả nước chỉ có 9 tỉnh thành tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn, 35 tỉnh thành phố tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh thành tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Trong điều kiện khó khăn, ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến các hoạt động của ngành. Các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại địa phương, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT nhìn nhận, các quy định hướng dẫn triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này. Công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc quản lý, duy trì nền nếp, thời gian tham gia học tập trực tuyến, trực tiếp của các em gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao thời gian qua, trong bối cảnh dạy và học gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, hơn 1,5 triệu nhà giáo đã thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đã hành động vì nghề và vì học sinh.
Về nhiệm vụ lớn của năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị trước hết, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới GD-ĐT. Sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành giáo dục.
Đặc biệt, trước thực tế có gần 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng với đó tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên. Năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục là bù đắp, củng cố chất lượng giáo dục từ phổ thông tới đại học.
Đối với giáo dục phổ thông, năm 2022, 2023 được xác định là 2 năm trọng yếu trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy cần phải nhìn thấy hết thách thức đặt ra về nguồn lực, điều kiện thực hiện để có phương án khắc phục và triển khai. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và triển khai tự chủ đại học cũng cần được triển khai có hiệu quả hơn.
Bộ trưởng cũng đề nghị toàn ngành giáo dục tăng cường chuyển đổi số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế; tăng cường các thiết chế văn hóa trong hệ thống GD-ĐT.