Gần 600 học sinh tham gia "Kỹ năng phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng xã hội"

Sáng 8-1, tại Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức), gần 600 học sinh khối 12 đã tham gia chuyên đề "Kỹ năng phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng xã hội". Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động tư vấn hướng nghiệp do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Báo Giáo dục thời đại, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức. 

Học sinh dành nhiều thời gian trên mạng xã hội

Mở đầu buổi sinh hoạt chuyên đề, Th.S Tiêu Minh Sơn - chuyên gia tư vấn tâm lý, cho biết, theo nhiều tài liệu nghiên cứu của các tổ chức uy tín trên thế giới, tỷ lệ người dùng internet trên thế giới là 62,5%, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam là 73,1%.

Với mạng xã hội, tỉ lệ người thường xuyên sử dụng trên thế giới là 58,4%, riêng Việt Nam là 78,1%.

"Nhiều học sinh có thói quen sử dụng mạng xã hội để cập nhật tin tức, thậm chí "hóng drama". Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, các em lại vô tình tạo ra hoặc vướng vào một drama khác. Do chưa có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm xử lý nên các em dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý", Th.S Tiêu Minh Sơn chia sẻ.

3-2106.jpg
Các chuyên gia tư vấn tâm lý, đại diện nhà trường tham gia "gỡ rối" cho học sinh

Ở góc độ khác, theo Th.S Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên bộ môn Tâm lý, Khoa Khoa học giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, có 2 dạng bạo lực tâm lý học sinh có thể gặp phải.

Thứ nhất, các em bị tấn công bằng lời nói với nội dung hạ thấp giá trị, đạo đức, phẩm hạnh cá nhân. Thứ hai là bạo lực từ hành vi, thái độ như bị người khác cấm cản, kiểm soát, buộc phải hành động theo ý muốn của người khác.

"Cả 2 hình thức bắt nạt nói trên, dù tiến hành trực tiếp hay trực tuyến đều gây tổn thương tinh thần đối với người bị bắt nạt. Vì vậy, học sinh cần học cách sử dụng mạng xã hội thông minh, biết lựa chọn các hội nhóm, cộng đồng mang tính tích cực với mục đích phát triển bản thân, tránh tham gia các hội nhóm tiêu cực", Th.S Nguyễn Thị Huỳnh An bày tỏ.

fd8bca9f2abf81e1d8ae-1038.jpg
Học sinh tham gia đặt câu hỏi về cách xử lý khi rơi vào tình huống bắt nạt học đường

Tại buổi chia sẻ, Nguyễn Hồng Phúc, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Phước Long cho biết, mỗi ngày em sử dụng mạng xã hội từ 3-4 giờ, chủ yếu là các công cụ như Tik Tok, Facebook, intergram. Ngoài mục đích cập nhật tin tức, học sinh này còn sử dụng mạng xã hội để tra cứu tài liệu học tập và phục vụ các nhu cầu giải trí.

Tương tự, với Nguyễn Thái Duy Bình, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Phước Long chia sẻ, ngoài nguy cơ bản thân bị bắt nạt trên mạng xã hội, những người thân xung quanh em như bạn bè, người thân cũng từng bị bắt nạt trên mạng xã hội.

"Cách phản ứng của em khi phát hiện nguy cơ bị bắt nạt trên mạng xã hội là ngưng sử dụng các ứng dụng để tránh cảm xúc lo lắng, sợ sệt, cố gắng vượt qua cảm xúc tiêu cực vào thời điểm đó, không trả lời các bình luận có nội dung tiêu cực để tránh bạo lực leo thang. Ngoài ra, em thường tránh để lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội", Duy Bình cho biết.

Trang bị kỹ năng tự bảo vệ

Cô Vũ Thị Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long chia sẻ, hiện nay các trường phổ thông gặp khó khăn khi tuyển nhân sự có chuyên môn tư vấn tâm lý học đường.

Hiện nay, đội ngũ phụ trách tư vấn tâm lý thường là các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, trợ lý thanh niên và cả ban giám hiệu nhà trường.

"Tôi cho rằng để tăng sự đồng hành với học sinh, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình phải bền chặt. Ngoài ra, bản thân mỗi học sinh cần biết cách tự bảo vệ mình, giảm thiểu tối đa nguy cơ bị bắt nạt học đường", đại diện nhà trường cho biết.

4-3991.jpg
Th.S Tiêu Minh Sơn giao lưu tại phần hỏi-đáp xử lý tình huống với học sinh

Th.S Tiêu Minh Sơn nhắn gửi, trước khi đăng tải một hình ảnh, trạng thái cá nhân lên mạng xã hội, học sinh cần có kỹ năng phán xét, suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng tải, tuyệt đối không công khai số điện thoại, tên trường, địa chỉ mail cá nhân lên mạng xã hội.

Đặc biệt, khi rơi vào tình huống bị bắt nạt trên mạng xã hội, học sinh cần bình tĩnh, xác định "nút thắt" ở đâu để tháo gỡ, bạo lực có nguyên nhân từ ai, việc gì, từ đó nhờ sự hỗ trợ từ thầy cô, ba mẹ, đơn vị chức năng để có hướng giải quyết phù hợp.

Tin cùng chuyên mục