Theo Sở GD-ĐT TPHCM, kỳ thi Olympic tháng 4 được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm tạo sân chơi cho học sinh giỏi ở hai khối lớp 10 và 11 hệ không chuyên của các trường THPT các tỉnh phía Nam tham gia tranh tài. Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, kỳ thi mở rộng đối tượng cho học sinh các trường THCS trên địa bàn TPHCM.
Từ năm học 2019 - 2020, TPHCM thống nhất tên gọi chung là kỳ thi Olympic tháng 4 TPHCM, tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 của tháng 3 (đối với bậc THCS) và tuần đầu tiên của tháng 4 hàng năm (đối với bậc THPT).
Kỳ thi hướng đến mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng lực, tạo nguồn rèn luyện đội tuyển học sinh giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Qua sân chơi này, giáo viên của các trường học sẽ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh tiếp cận nội dung kỳ thi quốc gia, đưa dạy học gắn liền với việc giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, góp phần tăng cường chất lượng và hiệu quả dạy học.
Năm học 2020-2021, kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng dành cho cấp THCS đã diễn ra vào ngày 17-4-2021 dành cho học sinh 3 khối lớp 6, 7, 8 với 5 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa Lý.
Kỳ thi được tổ chức tại 8 điểm thi trên địa bàn quận 1, gồm: Trường THCS Trần Văn Ơn, THCS Võ Trường Toản, THCS Đồng Khởi, THCS Minh Đức, THCS Chu Văn An, THCS Nguyễn Du, THPT Trưng Vương và THPT Lương Thế Vinh.
Theo thầy Hồ Tấn Minh, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), năm nay kỳ thi đã huy động 778 giáo viên làm công tác giám thị và 892 giám khảo tham gia hội đồng chấm thi tại Trường THCS Trần Văn Ơn.
Kỳ thi đã thu hút 324 trường THCS trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tham gia với 8.826 thí sinh đăng ký dự thi.
Kết quả chung cuộc, có 5.699 học sinh đạt giải gồm 1.194 thí sinh đạt Huy chương vàng, 1.620 thí sinh đạt Huy chương bạc và 2.885 thí sinh đạt Huy chương đồng.
Phát biểu tại lễ tổng kết, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, kỳ thi Olympic tháng 4 hướng đến đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng không phải kiểm tra các em biết gì, nhớ gì mà tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên TPHCM cùng với cả nước thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6. Đây là cơ hội tốt cho giáo viên thay đổi tư duy dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất cho học sinh.