Hội thảo có gần 500 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến; quy tụ khoảng 40 diễn giả là các chuyên gia uy tín của gần 20 quốc gia từ các châu lục khác nhau; khoảng 50 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định, cục diện thế giới đã có những thay đổi nhanh chóng và chưa từng có. Những thay đổi trong thực tế địa chính trị, vốn là điều không tưởng, đang diễn ra ở một số nơi trên thế giới, trong đó cả khu vực từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương.
Các rủi ro địa chính trị toàn cầu và sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn đã làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát kèm suy thoái, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Các kiến trúc an ninh thế giới và ở khu vực đang có những thay đổi to lớn. Đây là những thách thức đa chiều, nhiều tầng lớp và khó nhận diện.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, một trong lý do dẫn đến tình trạng này là sự thiếu hụt lòng tin và tinh thần hợp tác, nhất là đối với luật pháp quốc tế và các tổ chức đa phương. Việc không tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế có thể gây xói mòn dần trật tự quốc tế. Do đó, việc tiếp tục tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực, duy trì, củng cố lòng tin và hợp tác là cần thiết để các tổ chức quốc tế đứng vững trước thử thách của thời gian. Các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn, cần có trách nhiệm lớn hơn trong hành xử để đảm bảo hoà bình, ổn định và phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, Biển Đông là trung tâm của cục diện quốc tế đang thay đổi. Các nguyên tắc trên Biển Đông sẽ góp phần định hình các nguyên tắc khác ở các biển và đại dương khác. Việc duy trì một trật tự trên biển, trong đó nhấn mạnh tới sự tuân thủ, tin tưởng và hợp tác, hơn bao giờ hết, là điều cần thiết để đảm bảo cho sự phục hồi bền vững.
Chính sách của Việt Nam về Biển Đông là tôn trọng đầy đủ, thiện chí thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, thúc đẩy hợp tác biển dựa trên UNCLOS. Việt Nam coi trọng việc sử dụng bền vững và bảo tồn đại dương, biển và các nguồn tài nguyên trên biển.
Chia sẻ về chủ đề “Biển hoà bình - Phục hồi bền vững”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, biển hoà bình là điều kiện tiên quyết để phục hồi bền vững sau đại dịch. Chủ đề cũng cho thấy ý định tốt đẹp của Ban Tổ chức và các đại biểu nhằm thảo luận về cách thức giải quyết các thách thức bất ổn ở Biển Đông và đưa ra các sáng kiến, đề xuất cụ thể để thúc đẩy các hoạt động hợp tác và duy trì phục hồi sau đại dịch.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đề nghị, cộng đồng quốc tế cần có giải pháp sáng tạo để cải thiện tính minh bạch và thúc đẩy lòng tin chiến lược giữa các bên, cần có hành động cụ thể để duy trì ổn định chính trị, duy trì phục hồi kinh tế và cần có sáng kiến thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN.
Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh đánh dấu 40 năm ký kết Công ước UNCLOS và 20 năm ASEAN - Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông.
Điểm mới của hội thảo là việc tổ chức một phiên dành cho tiếng nói của người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm quy tụ tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam, trong và ngoài nước; qua đó, xây dựng Việt Nam là một thành viên chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, hội thảo cũng có một số phiên bình luận sau hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam.
Hội thảo tập trung thảo luận vào các nội dung chính, gồm: đánh giá tác động của các chuyển động chính trị quốc tế và khu vực đến tình hình Biển Đông, phân tích sâu sắc và toàn diện các chuyển động đó từ khía cạnh địa chính trị, ngoại giao và pháp lý; thảo luận về các vấn đề mới nổi, song có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới cục diện khu vực như những phát triển mới của chủ nghĩa đa phương; xây dựng năng lực ứng phó với các hoạt động hỗn hợp, phát triển quy tắc ứng xử trên các mặt trận mới; bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững và kinh tế biển xanh; khai thác những ý tưởng mới và thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác để tăng cường an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. |