Chiều 1-10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội qua 3/4 chặng đường của năm 2022 và giải đáp, làm rõ các vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo.
Buổi họp báo diễn ra sau khi hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc vào trưa 1-10. Phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tháng 9 và 3 quý đầu năm 2022; chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Tại họp báo, báo chí nêu vấn đề về cán bộ công chức nghỉ việc có biểu hiện gia tăng thời gian qua, nhất là ngành y tế. Ngành y tế có gần 10.000 nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển việc ra làm ở y tế tư nhân trong khoảng 1,5 năm qua.
Trả lời về điều này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đây là vấn đề mà xã hội quan tâm thời gian qua. Do đại dịch Covid-19 diễn ra trong mấy năm qua, người dân gặp nhiều khó khăn. Trong đó có nhân viên ngành y tế chịu sức ép lớn về công việc, nhiều người bỏ việc. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo về tình hình công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc trong 2,5 năm qua.
Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương và 63 tỉnh thành. Theo đó, tổng số có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc sang khu vực tư, chiếm gần 2% tổng biên chế.
Bình quân mỗi năm có 15.820 người thôi việc ở khu vực công, chiếm khoảng 0,8% tổng biên chế được giao. Trong đó, ở Trung ương chiếm 18%, địa phương 82%. Trong số này, công chức chiếm khoảng 10%, còn lại 80% là viên chức.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, về khách quan, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói, trước hết là bối cảnh kinh tế thị trường, trong đó thị trường lao động có sự liên thông giữa khu vực công và tư. Nền kinh tế nhiều thành phần cả khu vực công và tư đều có sự tương tác, cạnh tranh, cùng phát triển. Tình trạng này cũng khiến chúng ta phải đánh giá lại chính sách lao động của khu vực công và tư hiện nay; chính sách xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Mặt khác, sự thuận lợi trong việc tuyển dụng lao động ở khu vực tư khiến người lao động dễ dàng gia nhập.
Về chủ quan, chế độ, chính sách tiền lương hiện còn nhiều khó khăn trong khu vực công để công chức, viên chức bảo đảm cuộc sống. Về điều này, Bộ Nội vụ sẽ cùng Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị về chính sách tiền lương cho phù hợp.
Mặt khác, công tác quy hoạch cán bộ, trọng dụng người tài ở khu vực công còn hạn chế, trong khi khu vực tư thu hút tốt hơn. Ngoài ra, quá trình tinh giản biên chế khiến một số đơn vị, cơ quan tăng sức ép công việc. Môi trường, điều kiện làm việc ở khu vực công chưa thực sự hấp dẫn để cán bộ, công chức, viên chức cống hiến… Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức muốn thử sức mình ở môi trường làm việc mới, ở khu vực tư nhân.