Theo PGS-TS-BS Lương Tuấn Khanh, đột quỵ não đã và đang gây ra nhiều hệ lụy như yếu hoặc liệt tay chân; nửa hoặc toàn thân; mặt và rối loạn lời nói, tri thức, tư duy, cảm xúc… Đặc biệt đột quỵ não còn để lại các biến chứng rất nguy hiểm như rối loạn nuốt gây nguy cơ sặc; viêm phổi, nhiễm trùng, loét da, viêm tắc mạch máu; đại tiểu tiện không tự chủ và suy dinh dưỡng….
Từ một người bình thường khi trải qua cơn đột quỵ não họ trở thành tàn phế, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân; là gánh nặng cho chính bản thân, gia đình và xã hội. “Theo thống kê chỉ 25-30% người sau đột quỵ có thể tự đi lại phục vụ chính mình, 20-25% đi lại khó khăn cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày và 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác”, bác sĩ Khanh đánh giá.
Khóa đào tạo “Phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ” là chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Áo, với sự tham gia đào tạo của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ, thần kinh và phục hồi chức năng.
Mục tiêu thông qua các khóa đào tạo để nâng cao năng lực phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân. Trong 3 năm qua (2017-2020), đã có 63 lớp dành cho cán bộ y tế đến từ 650 bệnh viện thuộc 59 tỉnh thành cả nước. Có hơn 4.300 bác sĩ, kỹ thuật viên hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục của Tổng hội y học Việt Nam phối hợp với Tổ chức đột quỵ thế giới, Hội phục hồi chức năng Việt Nam.
Ngoài ra, tính đến tháng 11-2020 có 4.000 người nhà bệnh nhân được huấn luyện cách phục hồi chức năng cho người bệnh, phòng tránh đột quỵ tái phát.
Theo Tổ chức đột quỵ thế giới (WSO) trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạch máu-thần kinh mà điển hình là những cơn đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân gây tàn tật ở người trưởng thành. Hiện có khoảng 17 triệu người đột quỵ mỗi năm, với khoảng 6 triệu người tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng nặng nề. |