Xây tường bít hẻm, khóa cửa sau
Ông Nguyễn Văn Hảo, chủ nhà số 363 Nguyễn Thị Định, phường Bình Trưng Tây (TP Thủ Đức) bức xúc kể: “Nhà tôi có cửa sau thông ra lối đi chung của Đường số 27. Tuy nhiên, khoảng năm 2004, bà Trần Thị Vân, chủ căn nhà số 22, Đường số 27 rào chắn toàn bộ con hẻm này. Bà Vân đặt bếp và bồn rửa chén, đũa cho tiệm cơm của mình khiến mặt đường con hẻm bị trơn trượt, khói bay mịt mù vào dãy nhà của chúng tôi. Chưa dừng lại ở đó, bà Vân còn lợp thêm mái tôn và dùng ván, gỗ, dây kẽm cột lại để khóa cửa sau của các nhà số 361, 363, 365 Nguyễn Thị Định. Bà Vân lắp mái tôn khiến khi trời mưa, nước tràn vào nhà tôi. Chúng tôi đã nộp đơn khiếu nại sự việc này đến UBND phường Bình Trưng Tây và khởi kiện ra tòa”.
Gần 20 năm, phần đất bị bà Trần Thị Vân lấn chiếm vẫn chưa được giải tỏa |
Thực tế, tại nhà của bà Trần Thị Vân có mở quán cơm Nhà Tôi. Sát quán cơm, bà Vân dùng gạch xây bức tường cao hơn 1m để bít con hẻm - là lối đi chung phía sau của các nhà 361, 363, 365 Nguyễn Thị Định. Dọc theo lối đi chung, bà Vân đặt ngổn ngang kệ bếp, bàn ghế, nồi, niêu, xoong, chảo… Cửa sau nhà của ông Nguyễn Văn Hảo bị dây kẽm cột chặt. Cửa sau nhà số 361 Nguyễn Thị Định không bị cột khóa, nhưng lại bị tấm tôn gác ngang che chắn… Bà Bích Hằng (chủ nhà số 365 Nguyễn Thị Định) cho biết thêm: “Tôi phải dùng một số vật dụng để ngăn không cho nấu nướng ở khu vực này. Nhà có trẻ nhỏ, nhưng khói mù mịt rất ảnh hưởng cho sức khỏe của các con. Lối đi chung bị lấn chiếm, vật dụng để như vậy rất bầy hầy, nhất là mùa này dịch sốt xuất huyết đang gia tăng”.
Tòa tuyên, vẫn không thi hành
Nguyên nhân của sự tranh chấp bắt nguồn từ việc ngày 2-3-2004, UBND quận 2 (nay đã sáp nhập thành UBND TP Thủ Đức) cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCN QSHNƠ và QSDĐƠ) số 343/2004 cho căn nhà số 22, Đường số 27 của bà Vân đã cấp luôn phần lối đi chung. Người dân lân cận đã khởi kiện hành chính về quyết định này.
Theo hồ sơ kê khai nhà đất năm 1999, bà Bùi Thị Thường (mẹ bà Vân) kê khai căn nhà có diện tích 63m2, tiếp giáp 3 mặt là hẻm (trong đó có phần hẻm là lối đi chung của nhà ông Hảo, nhà bà Bích Hằng…). Năm 2005, bà Thường đã tặng cho bà Vân toàn bộ nhà đất trên và được UBND quận 2 xác nhận. Bà Vân cũng cho biết, trước năm 2009, khi chưa phát sinh tranh chấp, thì các hộ có lối đi chung ra Đường số 27. Do vậy, việc UBND quận 2 cấp GCN QSHNƠ và QSDĐƠ số 343/2004 với diện tích khuôn viên căn nhà 90,4m2; sau đó cập nhật cho bà Vân, trong đó có lối đi chung, là không đúng hiện trạng. Ngày 17-6-2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã ra phán quyết, theo đó hủy GCN QSHNƠ và QSDĐƠ số 343/2004 do UBND quận 2 cấp cho ông Trần Văn Trổ, bà Bùi Thị Thường với nội dung cập nhật cho bà Trần Thị Vân. UBND quận 2 có trách nhiệm cấp lại GCN QSHNƠ và QSDĐƠ cho bà Trần Thị Vân đúng với nguồn gốc và hiện trạng sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc lấn chiếm đất của bà Vân vẫn tiếp tục. Một lãnh đạo của UBND phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức, cho biết: “Vụ việc đã xảy ra từ rất lâu, và chúng tôi đã nhiều lần mời bà Vân cùng các hộ liên quan đến làm việc. Tuy nhiên, bà Vân không có thiện chí hợp tác. Chúng tôi cũng đã đến hiện trường, lập biên bản xử lý vụ việc. Cái khó hiện nay là xử lý phần diện tích bị lấn chiếm. Các bản vẽ ranh đất có rồi, nhưng lại không mang tính pháp lý. Bản án của tòa án cũng chưa xác định lối đi chung có diện tích cụ thể, xác định ranh ra sao? Muốn xử lý việc này, UBND TP Thủ Đức phải thu hồi, hủy và điều chỉnh lại GCN QSHNƠ và QSDĐƠ của bà Vân, để từ đó chính quyền địa phương có cơ sở cưỡng chế, giải tỏa, trả lại phần đất lấn chiếm là lối đi chung của các hộ dân. Trong các lần làm việc, chúng tôi cũng cho bà Vân biết, với quyết định của tòa án như vậy thì GCN QSHNƠ và QSDĐƠ số 343/2004 không còn giá trị để mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, cầm cố thế chấp và bà Vân phải giao nộp lại, thế nhưng bà Vân không giao nộp”.
Chính quyền địa phương đã không ít lần báo cáo, tham mưu UBND TP Thủ Đức chỉ đạo các cơ quan chức năng có văn bản xác định ranh đất, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản quan trọng này. Và, mặc dù vụ việc đã qua nhiều lần hòa giải, xét xử…, nhưng gần 20 năm trôi qua, vẫn chưa giải tỏa được hơn 25m2 đất lấn chiếm!