Hỏi hóa đơn bán lẻ, cấp biên lai bán lẻ
Trên địa bàn TP Hà Nội, những ngày gần đây, theo quan sát của PV Báo SGGP, tại nhiều cửa hàng xăng dầu ở đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm), đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy)… đều có chung tình trạng không xuất hóa đơn bán lẻ theo từng lần bán, trong khi đây là yêu cầu bắt buộc thực hiện từ ngày 1-1. Thậm chí, tại cây xăng số 04 của Petrolimex ở số 8 đường Trần Hưng Đạo (một cây xăng lớn ở quận Hoàn Kiếm) cũng hầu như không cấp hóa đơn bán lẻ cho người đổ xăng xe máy vì... người mua không đòi hỏi, chỉ thi thoảng có tài xế ô tô yêu cầu cấp hóa đơn.
Tại một cây xăng trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), hầu như không có ai yêu cầu cung cấp hóa đơn bán lẻ, nên nhân viên không cấp cho khách hàng. Khi PV Báo SGGP hỏi “có cấp hóa đơn bán lẻ không” thì nhân viên bán xăng mới tạm gác cần bơm, chạy ra mở tủ sắt đặt cạnh cột bơm phía ngoài, lôi ra một cuốn sổ biên lai, viết cho một tờ “hóa đơn” (thực chất chỉ là biên lai bán hàng - PV) ghi gọn lỏn số tiền mua xăng trên đó. Còn nhân viên của một cây xăng ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) cho biết, chỉ khi nào khách hỏi hóa đơn thì mới cấp, nhưng hầu như khách (đi xe máy) không hỏi. Bởi vào những giờ cao điểm, khách phải xếp hàng nối dài, nếu viết hóa đơn sẽ mất thêm nhiều thời gian.
Tại một số cửa hàng của Petrolimex ở các quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Hai Bà Trưng… có cấp hóa đơn bán lẻ theo mẫu quy định (hóa đơn đỏ) cho khách, nhưng khách phải dựng xe ra một chỗ, sau đó vào gặp kế toán và phải có mã số thuế của cá nhân thì cửa hàng mới in được hóa đơn đỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ được mã số thuế cá nhân, và cây xăng chỉ đưa cho khách biên lai bán hàng.
Nên hỗ trợ hơn ép buộc
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính cần có hướng dẫn quy trình, tiêu chuẩn cụ thể về việc cấp hóa đơn bán lẻ xăng dầu theo từng lần bán. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, để cấp hóa đơn bán lẻ có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, các doanh nghiệp cần phải đầu tư thêm khoản tiền khá lớn, nhất là với những cửa hàng có hạ tầng đã cũ, giờ muốn triển khai phải thay đổi hệ thống cột bơm mới, lắp thêm thiết bị…, tính sơ sơ cũng tiền tỷ.
Một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, do phát sinh khó khăn, cùng với việc chưa có hướng dẫn rõ ràng, nên có thể sẽ xin tạm ngừng bán hàng. Một số địa phương hiện cũng muốn xin lùi thời hạn áp dụng chính sách này. Đơn cử, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Lạng Sơn đã có công văn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã ký hợp đồng cung cấp giải pháp công nghệ để thực hiện cấp hóa đơn theo từng lần bán hàng. Nhưng do đối tác chưa chuẩn bị được thiết bị và giải pháp phù hợp nên thời gian lắp đặt thiết bị cần phải lùi lại đến ngày 28-2, dẫn tới kế hoạch thực hiện cấp hóa đơn từng lần bán hàng phải lùi đến hết quý 1-2024. Trường hợp không được đồng ý, doanh nghiệp sẽ đề xuất tạm dừng bán lẻ xăng dầu đến khi lắp đặt xong.
Bộ Công thương thông tin, cả nước hiện có trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhưng theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 1-2-2024, mới có 6.144 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán theo quy định. So với thời điểm cuối năm 2023, số lượng thực hiện đã tăng thêm hơn 2.000 cửa hàng. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ triển khai đạt mức cao như: Bắc Ninh đạt 97%, Thanh Hóa đạt 95%, Yên Bái đạt 87%, Quảng Nam đạt 79%, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 76%, Đắk Lắk đạt 75%, Quảng Ngãi đạt 74%, Hà Nội đạt 71%... Tuy nhiên, so với yêu cầu là 100% cửa hàng thực hiện thì vẫn chưa đạt.
Trong số cửa hàng đã thực hiện, chiếm phần lớn thuộc hệ thống của Petrolimex. Một số chuyên gia xăng dầu cho rằng, sở dĩ có nhiều cửa hàng của Petrolimex triển khai dễ dàng vì doanh nghiệp này đã bắt đầu đồng bộ quản lý dữ liệu từ ngày 1-1-2014 đến nay. Các doanh nghiệp khác muốn đồng bộ dữ liệu thì phải chuyển cột bơm cơ sang cột bơm điện tử thì mới truyền được tín hiệu.
Các chuyên gia xăng dầu nêu ý kiến, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính cần có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, cột bơm mới, kịp thời chuyển sang thực hiện hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ, thay vì bắt buộc doanh nghiệp tự đầu tư, xoay xở tìm giải pháp, công nghệ... như hiện nay.
Mặc dù doanh nghiệp triển khai còn chậm, nhưng Tổng cục Thuế thông tin, để đảm bảo 100% cửa hàng xăng dầu trên cả nước thực hiện theo quy định, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu Tổng cục Thuế quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện. Tổng cục Thuế sẽ giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể đến từng lãnh đạo phòng, chi cục thuế và từng công chức quản lý để thực hiện nhiệm vụ này.