Tại buổi chất vấn, nhiều đại biểu dẫn các bức xúc của người dân thành phố về tình trạng quy hoạch treo, dự án chậm triển khai.
Đăng đàn chất vấn, ĐB Huỳnh Đặng Tuyên (quận Bình Tân) nhận xét, hiện nay giá đất nông nghiệp ở một số quận, huyện đang tăng. Do đó, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng TPHCM cần xem xét tăng giá bồi thường đối với đất nông nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ bồi thường đối với các dự án có thu hồi đất nông nghiệp ở quận ở Bình Tân nói riêng và trên thành phố nói chung.
Cũng liên quan đến lĩnh vực nhà đất, xây dựng, ĐB Nguyễn Văn Dũng tiếp tục chất vấn về việc cấp giấy chứng nhận ở các dự án có sai phạm về xây dựng (như chung cư RubyLand, quận Tân Phú) sẽ được giải quyết thế nào? Ngoài ra, ĐB Dũng hỏi đích danh Giám đốc Sở Xây dựng về hướng giải quyết nhu cầu đầu tư, xây dựng nhà màng, nhà sơ chế, nhà để vật tư phục vụ nông nghiệp công nghệ cao như thế nào?
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn nhìn nhận, nhu cầu xây dựng công trình phục vụ sản xuất đất nông nghiệp, nhất là tại các quận ven và các huyện ngoại thành là có thật. Người dân, đơn vị sản xuất nông nghiệp có nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp khác hoặc đất phi nông nghiệp khác.
Tuy nhiên, hiện nay không có tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với công trình này nên chưa có quy định hướng dẫn việc miễn phép, cấp phép đối với các công trình này, dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân, doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước.
“Trước thực tế này, Sở Xây dựng TPHCM đã phối hợp khảo sát nhu cầu về các loại hình sản xuất nông nghiệp cụ thể và đã đề xuất UBND TPHCM tháo gỡ”, ông Trần Trọng Tuấn thông tin.
Bổ sung ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng có hình thức chế tài và công khai, minh bạch các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong việc đầu tư các công trình trường học, sân chơi chậm.
“Đầu tư ở thành phố thì phải thực hiện theo đúng cam kết”, ông Trần Vĩnh Tuyến truyền thông điệp và khẳng định, bên cạnh việc xử phạt, thành phố cũng sẽ xem xét không cấp phép cho các chủ đầu tư tham gia vào các dự án khác.
Về 17.300 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND TPHCM đã họp và chỉ đạo, các đơn vị liên quan phải trả lời cho người dân một cách công khai, minh bạch. Trường hợp được giải quyết hay không thì cũng phải trả lời, dứt khoát không được im lặng. Tháng 1-2019, UBND TPHCM sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý đối với những quận - huyện nào có sai sót. Việc này phải trả lời cụ thể, không nói chung chung nên từ nay đến ngày 31-12, các quận - huyện phải tổ chức rà soát lại.
Riêng với các dự án căn hộ, các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức rà soát và có hướng giải quyết cụ thể. Theo đó, đối với các dự án có vi phạm xây dựng nhưng không ảnh hưởng quy hoạch, không ảnh hưởng kết cấu công trình thì “tách” phần xử phạt với phần cấp giấy.
Đối với các ý kiến về quy hoạch, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, để thành phố phát triển thì việc quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, trong quản lý, điều hành chung, UBND TPHCM nhận thấy hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch vẫn còn yếu kém.
Hiện nay, UBND TPHCM đã có một số giải pháp tích cực nhằm đảm bảo các quy hoạch là phải khả thi. “Nếu không khả thi thì người dân sẽ rất khổ”, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận và phân tích, pháp luật hiện hành không cấm việc chuyển nhượng, mua bán nhà đất trong vùng quy hoạch. Nhưng thực tế hiện nay, hầu như không ai mua nhà nằm trong quy hoạch nên người dân gặp nhiều khó khăn và bức xúc. Đặc biệt, việc quy hoạch công viên cây xanh kéo dài, không thực hiện như ở huyện Bình Chánh khiến người dân rất bức xúc nên thành phố đã chỉ đạo rà soát để đảm bảo quy hoạch khả thi. |
Nhấn mạnh đến sự cần thiết của quy hoạch đối với sự phát triển của TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng nhìn nhận có một số dự án kéo dài như dự án Rạch Xuyên Tâm, khu đô thị Bình Quới, công viên Safari hay dự án đường Vành đai 3… Đây là những dự án lớn và thực tế còn nhiều dự án khác không thể hủy bỏ được. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này mất rất nhiều thời gian nên thành phố phải thay đổi cách làm, nếu vẫn làm theo kiểu cũ thì người dân gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đã nghiên cứu, báo cáo Chủ tịch UBND TPHCM một số giải pháp để có thể triển khai ngay để đảm bảo thu hồi đất theo đúng mục tiêu đã triển khai với người dân và đúng quy hoạch được duyệt”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thông tin.
Được chuyển tải ý kiến đến nghị trường, ĐB Trần Hồng Ngọc (quận Bình Thạnh), phản ánh người dân nằm trong khu quy hoạch treo thì không được cấp giấy chứng nhận. Sau khi thành phố rà soát, xác định dự án không khả thi thì hủy bỏ. Tuy nhiên, quá trình này kéo dài rất lâu, đến khi người dân được cấp giấy, chuyển đổi mục đích thì phải đóng thuế rất cao. Vì vậy, ĐB Ngọc đề nghị có giải pháp xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân trong các trường hợp này, vốn đã thiệt thòi nhiều do vướng quy hoạch trong một thời gian dài. Trả lời ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, mong cử tri thông cảm vì phải theo quy định chung và thành phố không thể tính theo giá đất riêng, mà phải theo bảng giá đất hàng năm thành phố ban hành. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, ý kiến của cử tri là chính đáng nên chính quyền thành phố cần nghiên cứu thêm về giải pháp để người dân bớt thiệt thòi. |