Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi chương trình hướng nghiệp do Trường THPT Lương Thế Vinh tổ chức, nhằm truyền thêm ngọn lủa đam mê, nuôi dưỡng ước mơ và giúp học sinh định hướng đúng đắn nghề nghiệp trong tương lai.
Tại buổi nói chuyện trực tuyến, hàng loạt câu hỏi của học sinh liên quan đến các vấn đề làm sao xác định được đam mê, hành trình nuôi dưỡng ước mơ, những yếu tố cần và đủ để phát triển bản thân, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai... đã được các cán bộ, chuyên gia, nhà giáo – vốn là những cựu học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh giải đáp đầy đủ.
Một trong những nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất đối với học sinh là anh Nguyễn Trần Sơn Lâm, cựu học sinh khóa 2004-2007, tốt nghiệp thạc sĩ Trường Đại học Deakin ở Melbourne (Úc), hiện nay là giảng viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang (TPHCM).
Đến với buổi chia sẻ, chàng trai giàu nghị lực và cá tính đã kể lại hành trình chinh phục ước mơ của mình. Vốn đam mê hội họa từ những năm còn là học sinh THCS, lên đến bậc THPT, Sơn Lâm quyết định theo đuổi con đường kiến trúc.
Mơ ước tuy không được gia đình ủng hộ nhưng bằng sự quyết tâm và kiên trì, Sơn Lâm đã trải qua những tháng ngày vừa học vừa làm thêm đủ nghề trang trải chi phí học tập. Vào năm 28 tuổi, chàng trai giàu nghị lực còn kịp hoàn thành ước mơ vòng quanh thế giới trước năm 30 tuổi.
Chia sẻ về chuyên ngành kiến trúc, Sơn Lâm cho biết, ngoài năng lực thẩm mỹ và khả năng sáng tạo, công việc này còn đòi hỏi người học phải tự trang bị cả kiến thức tự nhiên lẫn xã hội, dám nghĩ dám làm và không đầu hàng trước khó khăn.
Một tấm gương thành đạt khác là Huỳnh Bảo Ân, cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM), hiện nay là kỹ sư hạ tầng cấp cao tại một công ty chuyên về công nghệ thông tin với 100% vốn nước ngoài, thị trường trải dài từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ.
Bảo Ân bày tỏ, đặc thù lĩnh vực công nghệ thông tin là làm việc với máy móc nhiều hơn con người. Đây là một trong những lĩnh vực có tốc độ thay đổi nhanh chóng nhất trong các ngành nghề. Trung bình từ 3-5 năm sẽ xuất hiện thay đổi đòi hỏi người làm việc phải có kỹ năng logic, khả năng làm việc độc lập, không ngừng tự học, tự thích ứng, tự phát triển cũng như một tinh thần lạc quan để luôn tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Ở một lĩnh vực chuyên môn khác, thầy giáo Võ Kim Bảo, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), chuyên viên mạng lưới môn Ngữ văn – Phòng GD-ĐT quận 1, gây ấn tượng với học sinh bằng cách nói chuyện thoải mái và nhiệt tình.
Thầy giáo trẻ chia sẻ: “Sự nhiệt tình và tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc là một trong những phẩm chất tôi luôn duy trì trong suốt quá trình làm việc của mình. Bởi người thầy khi gieo một hạt giống sai sẽ ảnh hưởng rất lâu dài đến học sinh”, thầy Bảo cho biết.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, học sinh hiện nay có thể học từ rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau, kiến thức có thể rộng hơn cả thầy, cô. Vì vậy, người thầy phải liên tục làm mới mình. Bên cạnh đó, không nên có suy nghĩ “thầy, cô luôn đúng” mà phải có tinh thần dám nhận sai, biết lắng nghe và không ngừng tiến bộ.
Đặc biệt trong giai đoạn ngành giáo dục Việt Nam đang có nhiều biến động lớn, xã hội đã và đang đặt lên vai các thầy, cô giáo nhiều nhiệm vụ khác nhau. Giáo viên không chỉ là người đi dạy mà còn “kiêm” vai trò đạo diễn, bảo mẫu, công an, luật sư, ca sĩ, diễn viên múa… đòi hỏi người theo nghề phải có sự kiên nhẫn và cố gắng.
Theo anh Nguyễn Hữu Bình, chuyển tiếp sinh cao học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), để xác định nghề nghiệp phù hợp trong tương lai, học sinh cần dựa vào các yếu tố bên trong như sở thích, đam mê, năng lực cá nhân, tố chất bản thân, sức khỏe và điều kiện gia đình.
Nếu sở thích được xem là cơ sở lựa chọn ở mức độ thấp thì đam mê là biểu hiện ở mức độ cao hơn. Riêng về việc đánh giá năng lực cá nhân, ngoài việc xác định năng lực thông qua học tập, điểm số còn có thể xác định dựa vào sự đánh giá điểm yếu và mạnh của mỗi người.
Một thực tế hiện nay cho thấy, nhiều học sinh cho biết đã hiểu đủ về ngành nghề lựa chọn nhưng không nhiều em trong số đó từng tìm hiểu chương trình đào tạo của ngành học, không biết trong 4 năm ở đại học sẽ học những môn học gì, được đào tạo những kỹ năng gì, bản thân có phù hợp hay không.
Anh Nguyễn Hữu Bình khuyên nhủ, học sinh nên tập thói quen tìm kiếm nâng cao thay vì dừng ở việc tìm kiếm lướt. Cụ thể, khi tìm hiểu về một ngành nghề nào đó không nên dừng ở việc tìm hiểu sau khi ra trường sẽ làm gì mà cần biết sẽ được học gì, tham gia các hoạt động gì ở trường đại học.
Một băn khoăn khác cũng được nhiều học sinh chú ý là khi theo đuổi một lĩnh vực nào đó, sau khi ra trường làm việc mức lương nhận được có cao hay không. Theo các chuyên gia tư vấn, trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, tiền được xem là một trong những công cụ để tạo ra những giá trị khác chứ không phải mục tiêu duy nhất.
Bất kỳ công việc nào đều có thể khiến người theo đuổi nó rơi vào quy trình 7 ngày làm việc với “3 ngày rất vui, 2 ngày bình thường và 2 ngày muốn nghỉ việc”, tức bản thân mỗi công việc luôn có nhiều góc độ, tạo cho người làm việc nhiều trạng thái tiếp nhận khác nhau. Điều đó hết sức bình thường và không phải cá biệt.
Liên quan đến việc lựa chọn đi du học hay học trong nước phụ thuộc vào mục tiêu của người học mong muốn tìm kiếm môi trường học tập, đào tạo chuyên sâu, mở rộng phạm vi nghiên cứu hay có môi trường tốt hơn về thực hành, thực tập…
Theo cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, ước mơ chính là một trong những động lực giúp học sinh chạm tay đến thành công. Khi các bạn học sinh dám dấn thân thực hiện ước mơ sẽ phát triển được đam mê, từ đó có lựa chọn hướng đi phù hợp.