Từ đầu năm đến nay, các lực lượng liên ngành chức năng đã kiểm tra, xử phạt hàng chục ngàn vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng trong số này đã được các tổ chức, cá nhân chào bán qua internet khiến nhiều người tiêu dùng phải “ôm trái đắng”.
Chẳng hạn, mới đây, chị L.M.L (ngụ đường Lý Chính Thắng, quận 3) bức xúc chia sẻ về việc bị lừa mua thuốc trị Covid-19 với tổng hóa đơn hơn 2,4 triệu đồng. Chị L. cho hay, cuối tháng 8, chị đặt mua 3 lọ thuốc hạ sốt, giảm đau Tylenol xách tay từ Mỹ với giá hơn 2,4 triệu đồng.
Cách đây vài ngày, người nhà chị M.L bị sốt, lấy ra uống thử, nhưng 2 ngày liền vẫn không thuyên giảm, trong khi uống tạm mấy viên Panadol có sẵn ở nhà thì dứt sốt. Lo lắng, chị L. đập thử một vài viên Tylenol, phát hiện bên trong không có mùi thuốc, chỉ có chất bột trắng giống củ mì. Quan sát kỹ hơn, thương hiệu thuốc bị phai màu, hạn sử dụng mờ nhạt. “Gọi điện cho người bán thì họ chặn số điện thoại của mình luôn. Đây là bài học lớn cho mình”, chị L. cho biết.
Trước đó, một số bạn đọc cũng phản ánh với Báo SGGP về việc mua hàng điện máy, bộ đồ nấu ăn (trên một tài khoản Facebook) xuất xứ từ Đức nhưng không nhận được hàng. “Hàng chục bạn bè, đồng nghiệp của tôi đã chuyển khoản trên 20 triệu đồng nhưng khi gọi vào số điện thoại trên fanpage không ai nghe máy. Phần lớn mọi người đều là công chức nhà nước, nói ra sợ xấu hổ, nên không tố cáo đến cơ quan chức năng”, chị N.T.L, ngụ tại TP Đà Nẵng phản ánh. Vụ việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý gần 13.000 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 41 tỷ đồng. Tính riêng trên địa bàn TPHCM, QLTT đã thu giữ gần 14.000 sản phẩm gồm máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu, vỏ chai đựng oxy, quần áo may sẵn… Tất cả số hàng này đều không có chứng từ hợp pháp chứng minh xuất xứ nguồn gốc. Lực lượng chức năng chuyên trách (QLTT, hải quan...) đánh giá, các tổ chức, cá nhân kinh doanh online trong thời điểm diễn ra dịch bệnh tăng mạnh, nở rộ như nấm sau mưa. Đủ loại hàng hóa, từ cao cấp đến bình dân, nếu không thể mua trực tiếp ngoài thị trường đều dễ dàng tìm mua được trên Facebook, Zalo, YouTube…
Tất nhiên, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa rất khó kiểm chứng, với nhiều nguyên nhân như hàng trốn thuế, hàng nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng… Do vậy, nếu không cảnh giác, người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn và mua phải hàng kém chất lượng.
GIA HÂN