Cụ thể, từ đêm 29 đến sáng 30-9, tình hình người dân tự phát về quê qua các trạm, chốt tại huyện Đức Hòa, huyện Bến Lức... khá đông, cao điểm có khoảng gần 1.000 người tập trung tại chốt kiểm soát cầu Đức Hòa yêu cầu được qua chốt để về quê, gây phức tạp về an ninh trật tự; tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, UBND tỉnh Long An đã có nhiều văn bản đề nghị và được một số tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL có kế hoạch phối hợp tổ chức đón người dân trở về quê. Đến nay, Công an tỉnh Long An đã phối hợp lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp bàn giao 114 người dân Đồng Tháp.
Tuy nhiên, hiện nay còn khoảng 900 trường hợp, bao gồm người dân và công nhân lao động, phần lớn là lao động tự do; chủ yếu tập trung tại chốt tại chốt cầu Đức Hòa, huyện Đức Hòa (trong đó, Đồng Tháp 220 người, Sóc Trăng 200 người, An Giang 172 người, Trà Vinh 61 người, Bạc Liêu 53 người, Kiên Giang 42 người, Cần Thơ người 41...) mong muốn trở về địa phương bằng phương tiện cá nhân, nhưng chưa được sự đồng ý của các địa phương có liên quan và đang mắc kẹt tại tỉnh Long An.
Theo lãnh đạo tỉnh Long An, những trường hợp này đã tiêm vaccine phòng Covid-19 và được tỉnh Long An bố trí chỗ ăn, nghỉ tạm thời, thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Trước tình hình trên, tỉnh Long An đã đến gặp những người dân này để tuyên truyền, vận động, thuyết phục và mời đối thoại trực tiếp, thống nhất phương án giải quyết.
Qua đó, chính quyền địa phương đã cam kết vận động các chủ nhà trọ tiếp tục miễn, giảm tiền thuê trọ và hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt; chủ doanh nghiệp đã cam kết ưu tiên tuyển dụng trở lại làm việc và thực hiện trả lương hàng tuần trong 2 tháng đầu.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương rà soát, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ; tiếp tục huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho những trường hợp này, đồng thời rà soát, ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 theo quy định.
Sau buổi đối thoại, nhiều trường hợp đã thống nhất với phương án giải quyết của tỉnh và đã quay trở về nơi cư trú. Tuy nhiên, còn khoảng 400 trường hợp (chủ yếu là lao động tự do, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền…) kiên quyết trở về địa phương, một số trường hợp có biểu hiện gây rối làm mất an ninh trật tự.
Theo lãnh đạo tỉnh Long An, khó khăn lớn nhất hiện nay là các tỉnh, thành phố chưa có sự thống nhất và chậm có kế hoạch đón người dân trở về địa phương theo nguyện vọng. Điều này gây khó khăn cho tỉnh Long An trong việc phối hợp, giải quyết nhu cầu của người dân, đặc biệt khi TPHCM nới lỏng giãn cách.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, có chỉ đạo chung đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, phối hợp tổ chức đưa, đón người dân trở về địa phương đảm bảo kịp thời và an toàn. Đối với người lao động đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Long An, sẽ cam kết bố trí phương tiện đưa người dân trở về địa phương nếu các tỉnh, thành phố đồng ý tiếp nhận.