Tuy nhiên, việc thí điểm đón khách quốc tế còn gặp không ít khó khăn như: Chính sách xét duyệt nhân sự nước ngoài đối với các doanh nghiệp đón khách quốc tế gây khó khăn để thu hút du khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm trước đây đã quen được miễn thị thực sẽ ngần ngại về thủ tục khi quyết định lựa chọn điểm đến. Việc đón khách du lịch quốc tế thông qua đường bộ và đường biển chưa có hướng dẫn, theo đánh giá của một số địa phương và doanh nghiệp khai thác khách du lịch tàu biển. Một lực lượng lớn lao động trong ngành du lịch đã dịch chuyển sang ngành khác do đó dẫn tới việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề cao. Thêm nữa, hiện, cả thế giới đang phải đối mặt với biến thể mới (omicron), đó cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với việc thí điểm mở cửa lại thị thị trường khách quốc tế.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để nắm bắt các cơ hội cho phục hồi ngành du lịch nhằm đạt được kết quả như chúng ta kỳ vọng, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp chung để cùng chung tay giải quyết, vượt qua khó khăn của đại dịch, đồng thời để khôi phục hoạt động du lịch cần phải theo phương châm “Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” với các giải pháp và lộ trình cụ thể.
Đối với thị trường quốc tế: TCDL phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế; từng bước mở rộng ra nhiều địa phương, điểm đến đảm bảo các phương án phòng chống dịch, đón khách du lịch đảm bảo các tiêu chí về an toàn.
Tăng cường chuyển đổi số trong ngành du lịch, đặc biệt là các lĩnh vực như: kinh doanh dịch vụ lữ hành, quản lý và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch; xúc tiến điểm đến thông qua nền tảng công nghệ 4.0, tăng cường sử dụng và ứng dụng các dịch vụ không tiếp xúc trong kinh doanh du lịch.
Đối với các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm cũ để đáp ứng các nhu cầu thay đổi của du khách trong bối cảnh sống chung an toàn với Covid-19. Phát huy vai trò của các liên minh, liên kết giữa các điểm đến, doanh nghiệp, hàng không, khách sạn... nhằm xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn-hấp dẫn; mô hình du lịch an toàn tại các địa điểm tương đối biệt lập, sử dụng dịch vụ khép kín, không gây rủi ro về dịch bệnh cho cộng đồng. Đối với các địa phương, điểm đến có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động, khôi phục hoạt động kinh doanh, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch... như miễn giảm phí, lệ phí tham quan các điểm du lịch...