Những ngày đầu tháng 6, nhiều hộ dân sống dọc theo bãi biển thuộc 3 thôn Đông Hải, Quý Hải và Tân Hải của xã Long Hải (huyện Phú Quý) cặm cụi vác từng cục đá, đóng từng cây cọc để cố níu giữ những ngôi nhà đang bị sóng biển “ngoạm” sâu vào móng. Tại các khu vực này, do chưa được đầu tư bờ kè bài bản nên hàng chục ngôi nhà của các hộ dân nơi đây chỉ còn cách mép biển từ 1-2m.
Anh Trần Văn Tuấn (xã Long Hải) phải gác lại công việc đi biển để dành thời gian mua đá, xi măng làm bờ kè tạm phía trước ngôi nhà đang có nguy cơ bị biển “nuốt” mất. “Cách đây khoảng gần 20 năm, huyện đảo Phú Quý từng bị biển xâm thực một lần, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Nhưng từ cuối năm 2017 cho đến nay, tình trạng biển ăn sâu vào đất liền diễn ra ngày càng mạnh và nguy hiểm hơn. Trước mắt, để bảo vệ tính mạng và tài sản của gia đình, người dân chúng tôi chỉ còn cách tự làm kè tạm. Tuy nhiên, tất cả chỉ mang tính tạm thời…”, anh Tuấn cho biết.
Sống ở khu vực đang bị sạt lở từ nhỏ, anh Trần Đức Tín bày tỏ: “Khu vực xóm Đá Đen của thôn Đông Hải có điểm dân cư nằm sát biển bị ảnh hưởng rất nặng của triều cường, nhất là vào gió mùa Đông Bắc. Những hộ dân ở đây nếu có điều kiện thì tự bỏ tiền ra để kè tạm, còn những hộ không có điều kiện chỉ dùng cây ngũ chảo để rào tạm. Nhưng dù có tự làm kè như thế nào, mỗi năm người dân đều phải tự tu sửa để biển không xâm thực mất nhà. Biển cho nhiều thứ nhưng cũng lấy đi nhiều thứ của chúng tôi”.
Theo UBND huyện Phú Quý, vào cuối năm 2017, do ảnh hưởng của cơn bão số 15 kết hợp với gió mùa Đông Bắc khiến sóng biển dâng cao đánh sập 16m tường nhà dân, 16m bờ kè và 16 hộ nuôi tôm cá lồng bè bị ảnh hưởng nặng nề. Còn hiện tại, chiều dài bị biển xâm thực đã khoảng 3km, gần 100 hộ dân ở xã Long Hải có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, cho biết: “Trên địa bàn huyện đang được xây kè khu vực phía Nam, nhưng tại khu vực phía Bắc, đặc biệt ở xã Long Hải, tình trạng biển xâm thực diễn ra khá nhanh nhưng chưa được đầu tư vì khó khăn về kinh phí. Hiện UBND huyện Phú Quý đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận để đề nghị với Trung ương nhanh chóng đầu tư bờ kè cho người dân ở khu vực phía Bắc đảo. Có như vậy cuộc sống của người dân huyện đảo mới được đảm bảo an toàn, người dân mới an cư lập nghiệp".