Chất lượng tiên quyết
Đạt hơn 1,5 triệu lượt người xem (view) sau 3 ngày lên sóng, 200 triệu view trên TikTok, tốp 1 rating trên kênh VTV3... là những con số mở màn ấn tượng của Vietnam Idol 2023 sau 7 năm vắng bóng. Nhạc sĩ Huy Tuấn - thành viên ban giám khảo cũng khẳng định, Vietnam Idol 2023 sẽ là mùa giải hấp dẫn nhất từ trước đến nay bởi sự đa dạng của các thí sinh. Sau một thời gian dài vắng bóng các cuộc thi quy mô ở lĩnh vực âm nhạc, Vietnam Idol 2023 phần nào góp phần “hâm nóng” thị trường gameshow và truyền hình thực tế.
Nhiều nhà sản xuất thừa nhận, một điểm chung trong công thức thành công của các gameshow, hát chính là chất lượng thí sinh và format chương trình. Đây là nhân tố quan trọng giúp chương trình duy trì sức nóng cũng như thu hút tương tác của khán giả. Ở phương diện này, rõ ràng Vietnam Idol 2023 đáp ứng điều đó, dù để đánh giá tổng thể phải đợi đến các vòng thi trực tiếp.
La cà hát ca - chương trình kết hợp độc đáo của 3 yếu tố du lịch, trải nghiệm và biểu diễn âm nhạc pha trộn những tình huống mang đậm tính giải trí, hài hước trong chuyến du hành qua 3 miền đất nước được chú ý cũng vì lý do tương tự. Hay như Song ca giấu mặt gây ấn tượng bởi format quen mà lạ, nhiều thí sinh có nội lực, chất giọng hay, sáng sân khấu, đã tạo nên những màn kết đôi khá ấn tượng. Rap Việt cũng từng ghi dấu theo cách đó, nhưng đáng tiếc là đến mùa 3, chương trình đã để các vấn đề lùm xùm lấn át chất lượng.
Xin bớt drama
Từng là “fan cuồng” của các chương trình truyền hình thực tế ở lĩnh vực người mẫu, thời trang, nhưng khi theo dõi The Face 2023, Minh Huy (nhân viên truyền thông, quận 3, TPHCM) cũng phải lắc đầu ngao ngán: “Ai cũng hiểu muốn chương trình thu hút phải có chiêu trò. Nhưng, đây là sân chơi để các thí sinh thể hiện và khán giả muốn thấy các huấn luyện viên đóng góp gì trong hành trình trưởng thành của họ, thay vì cãi nhau không ngớt”. Đủ chiêu bài được sắp đặt trong các tập phát sóng đã qua, từ việc giành chỗ đứng của huấn luyện viên, đòi bỏ về khi ghi hình, đến khóc lóc khi bị đối xử bất công... Bên cạnh đó, câu chuyện sai lệch kiến thức ngay trong tập đầu phát sóng, hay việc mời Phương Mỹ Chi làm cố vấn của Người ấy là ai; phần biểu diễn gây tranh cãi của Dubbie (Khương Lê), các phần chọn - loại thí sinh trong Rap Việt… cũng là những chiêu trò thời gian gần đây của các gameshow khiến khán giả bàn tán không ngớt.
Hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa các chương trình trên sóng truyền hình, đặc biệt trên các nền tảng số vô cùng khốc liệt. Điều đó buộc các đơn vị sản xuất phải nỗ lực giữ chân khán giả bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc lạm dụng scandal. Thực tế này không mới, bởi cách đây 10 năm, khi gameshow và truyền hình thực tế bùng nổ, câu chuyện sử dụng chiêu trò, thậm chí cả việc chơi xấu và hạ bệ đối thủ không xa lạ. Hiện nay, các đơn vị sản xuất còn có thêm công cụ hỗ trợ đắc lực đó là các nền tảng mạng xã hội. Chỉ cần những clip ngắn có độ dài trên dưới 1 phút trên Facebook Reels, YouTube Short, TikTok… với những phát ngôn, tranh cãi gay gắt nhất, cũng có thể trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Và “mồi nhử” này đã và đang được nhiều nhà sản xuất tận dụng tối đa.
Khi đã quá quen với các chiêu trò của các gameshow, khán giả không khó để nhận ra, thậm chí còn đọc được “kịch bản” tiếp theo. Đa phần đều tỏ ra tỉnh táo, dù vẫn có một bộ phận bị “sập bẫy”. Câu hỏi không mới tiếp tục được đặt ra, các chiêu trò này nên được áp dụng như thế nào, mật độ và tần suất ra sao, để một mặt thu hút khán giả vào chương trình, mặt khác giữ chân họ ở lại trở thành những fan trung thành, là bài toán không dễ tìm ra đáp án. Thực tế, những con số triệu view không hẳn là thước đo lớn nhất để đánh giá thành công hay thất bại. Chí ít, khi chương trình kết thúc, điều gì tích cực còn đọng lại mới là điều đáng để suy ngẫm.