Gameshow truyền hình: Áp lực từ khán giả

Trong số những lựa chọn giải trí trên truyền hình, không nhiều gameshow hay các chương trình truyền hình thực tế tạo được sức bật và thu hút khán giả. Thậm chí, khi đã nhận được sự yêu mến thì duy trì sức nóng qua từng tập để giữ chân người xem còn khó hơn nhiều lần.

Hụt hơi những phút cuối

Chương trình Ca sĩ mặt nạ mùa 2 (The Masked Singer Vietnam) nhận không ít ý kiến trái chiều từ khán giả khi đang đi về những vòng cuối. Hệ quả là sau khi tập 5 lên sóng, ban tổ chức bất ngờ thông báo dời lịch phát sóng tập 6 sau 1 tuần. Nhiều khán giả cho rằng, đây là chương trình ghi hình và phát lại, ê kíp chủ động trong việc lên sóng nên việc đổi lịch này cho thấy có dấu hiệu chương trình đang hiệu chỉnh.

Trước đó, không ít người xem đã so sánh chương trình với mùa 1 và đánh giá các ca sĩ ẩn sau những Mascot (mô hình hay trang phục mô phỏng các linh vật, nhân vật hoạt hình) khá dễ đoán, thiết kế phục trang cũng kém đặc sắc hơn. Chưa kể, chương trình còn chủ động chia một tập phát sóng thành 2 phần khác nhau để kéo dài sự kịch tính; dàn cố vấn cố tình đoán sai nhằm đánh lạc hướng dư luận cũng là chủ đề được bàn tán khá nhiều.

Ca sĩ mặt nạ mùa 2 nhận không ít ý kiến trái chiều. Ảnh: VIE CHANNEL

Ca sĩ mặt nạ mùa 2 nhận không ít ý kiến trái chiều. Ảnh: VIE CHANNEL

Một chương trình khác cũng được “soi” rất kỹ là Vietnam Idol - Thần tượng âm nhạc thế hệ mới 2023. Sau 6 liveshow cùng các vòng tuyển chọn, 5 thí sinh xuất sắc nhất đã sẵn sàng bước vào đêm chung kết đêm 21-10. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng tiêu chí “from zero to hero” (từ số 0 thành anh hùng) vốn đã gắn liền với Vietnam Idol cũng ít nhiều thay đổi trong lần trở lại này sau 7 năm. Không ít gương mặt gây chú ý ở các vòng đầu tiên nhưng càng về cuối lại thiếu đi sự bùng nổ. Điển hình như Thanh Thảo - thí sinh từng nhận vé vàng để vào thẳng vòng nhà hát nhưng 3 đêm thi gần nhất cô đều rơi vào nhóm nguy hiểm.

Tương tự là trường hợp của Pia Linh từng dừng chân khá sớm sau liveshow 4. Hay như Hà An Huy - thí sinh có tố chất nghệ sĩ dù đã an toàn đi vào đêm chung kết nhưng cũng không có nhiều đột phá như kỳ vọng. Anh cũng chính là cái tên được xướng lên cho ngôi vị quán quân cuộc thi năm nay sau đêm chung kết tối 21-10. Và trong cả 5 gương mặt lọt đến đêm chung kết, chưa có thí sinh nào thực sự bật lên một cách áp đảo hay có những phần trình diễn bùng nổ trên mạng xã hội suốt thời gian diễn ra chương trình.

Nỗ lực vì khán giả

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, đơn vị đang sản xuất các chương trình Sàn chiến giọng hát, Song ca giấu mặt… cho biết, để giữ chân khán giả, cách duy nhất là phải giữ vững và nâng cao chất lượng. “Với các chương trình về âm nhạc, yếu tố giọng hát luôn phải được đặt lên hàng đầu. Quan trọng nhất, thí sinh phải hát hay. Ban tổ chức sẽ góp phần giúp các tiết mục chỉn chu hơn bằng việc đầu tư vào phần sân khấu, các bản hòa âm, phối khí… hoặc có những can thiệp, chỉnh sửa nhất định, sau đó để nâng đỡ giọng hát thí sinh, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khán giả”, bà Liên cho biết.

“Hiện việc sản xuất các chương trình truyền hình đang rơi vào cảnh thoái trào, nhiều đơn vị sản xuất phải đưa chương trình lên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook… Điều này một mặt giúp các chương trình tăng độ lan tỏa, mặt khác còn góp phần giúp thu hồi chi phí bỏ ra”, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, cho biết.

Có một điểm dễ nhận thấy đối với các chương trình truyền hình hiện nay là hầu hết các đơn vị sản xuất đều cố gắng lắng nghe, có những thay đổi và điều chỉnh phù hợp. Sau những góp ý về tạo hình của các giọng ca giấu mặt, các mascot trong Ca sĩ mặt nạ đã được nâng cấp đáng kể về giao diện. Phần dàn dựng cho tiết mục cũng tạo cơ hội để các giọng ca phát huy hết nội lực, tiềm năng và thế mạnh.

Hay với Vietnam Idol, không thể phủ nhận làn gió mới từ chương trình mang lại, cho thấy tư duy, thẩm mỹ âm nhạc và sự đa năng của các bạn trẻ. Nhiều thí sinh tự tin, mạnh dạn có những phá cách tạo đời sống mới cho các ca khúc đã đóng đinh tên tuổi trước đó. Như ở liveshow 6, khán giả bất ngờ thích thú với một Chim sáo ngày xưa vẫn mang âm hưởng dân gian nhưng trẻ trung, phá cách qua phần thể hiện của Xuân Định K.Y. Việc tự sáng tác, thêm lời trên nền ca khúc cũ, đọc rap, dàn dựng vũ đạo… cho thấy nỗ lực thoát khỏi cái “bóng” của những nghệ sĩ đi trước. Và, một điểm quan trọng, chương trình cũng đi đúng định hướng tập trung vào giọng hát và các thí sinh, hơn là việc tạo ra chiêu trò để lôi kéo khán giả.

Những con số thống kê có thể không nói lên tất cả, nhưng cũng không thể phủ nhận nó là một thước đo cho thấy sự quan tâm của khán giả và nỗ lực của các đơn vị sản xuất. Toàn bộ các tập phát sóng của Vietnam Idol 2023, Ca sĩ mặt nạ mùa 2, hay Hành trình rực rỡ đều dễ dàng cán mốc triệu lượt xem. Hay như Sàn chiến giọng hát mùa 5 đang lên sóng, số lượng lượt view có thể khiêm tốn hơn, nhưng bù lại đều nhận được các phản hồi tích cực từ khán giả.

Tin cùng chuyên mục