Hai xu hướng chủ đạo
Một tháng sau khi đăng tải trên nền tảng YouTube, tập 1 chương trình 2 ngày 1 đêm thu hút hơn 10 triệu lượt xem. Các tập phát sóng sau đó đều đạt mức 5-7 triệu lượt xem. Vui nhộn, giải trí, hài hước đồng thời quảng bá văn hóa, con người, món ăn và cảnh quay của Việt Nam... là nhận xét của đa phần khán giả.
Đúng như chia sẻ của đại diện chương trình: “Không chỉ mang lại những giây phút giải trí và tiếng cười cho khán giả, 2 ngày 1 đêm giới thiệu những cảnh đẹp, văn hóa, ẩm thực, con người khắp mọi miền Bắc, Trung, Nam. Từ đây, chương trình muốn quảng bá tích cực du lịch Việt Nam, đặc biệt là sau dịch bệnh khó khăn vừa qua”.
Thành công và sự đón nhận của khán giả với 2 ngày 1 đêm càng minh chứng việc các chương trình giải trí trên truyền hình thiên về yếu tố vận động đang chiếm ưu thế. Điều này có thể dễ dàng tìm thấy ở Đẳng cấp thực khách - sân chơi ẩm thực kết hợp với thử thách vận động được lấy cảm hứng từ trò chơi Cờ tỷ phú.
“Chương trình đan xen giữa kiến thức ẩm thực và vận động nên vô cùng thú vị, mình được chơi hết sức, cười hết mình khi tham gia”, là cảm xúc của diễn viên Phương Lan. Hay như Vòng xoay lốc xoáy, nơi người chơi phải tận dụng tối đa tất cả giác quan cũng như tinh thần tập trung bởi họ vừa bị xoay vòng tròn vừa nghe câu hỏi để suy nghĩ trả lời đồng thời phải chạy thật nhanh để chọn được đáp án đúng.
Chữ V diệu kỳ - một gameshow về du lịch không chỉ khác biệt khi quy tụ nhiều người chơi là người nước ngoài, các phần chơi diễn ra với đôi giày trượt patin trên sân khấu LED hình chữ V. The journey - Chuyến đi nhớ đời cũng là một điểm nhấn thông qua cuộc tranh tài của 3 đội chơi để hoàn thành hành trình du lịch bằng ô tô qua nhiều thử thách khác nhau. Ngay cả với một chương trình đã rất quen thuộc như Ký ức vui vẻ, trong mùa 4 này, ban tổ chức cũng tiết lộ những chuyến đi ghi hình ngoại cảnh sẽ được mở rộng quy mô hơn.
Ở khía cạnh khác, các chương trình quiz show (trò chơi trí tuệ) dù chiếm số lượng không nhiều nhưng vẫn có sức hút riêng. Ngoài những chương trình đã có thương hiệu như Ai là triệu phú, Một trăm triệu một phút, Chọn đâu cho đúng, Chọn ai đây… sóng truyền hình cũng đang gây chú ý với Đấu trường siêu Việt, nơi người chơi phải đối đầu với 50 nhóm người, đại diện cho những ngành nghề, công việc khác nhau trên nhiều lĩnh vực xã hội.
Làm mới
Đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh, Giám đốc Khang Kmedia, từng chia sẻ: “Sau dịch bệnh, các chương trình mang đến sự vui vẻ, trải nghiệm, kiến thức bổ ích và cả tình huống hài hước, vui nhộn sẽ chiếm ưu thế chủ đạo”. Điều này rõ ràng đúng với hầu hết chương trình đang nhận được sự chú ý và đón nhận trên sóng truyền hình.
Sự lên ngôi của game show vận động hay sức thu hút của quiz show là thực tế tất yếu bởi rõ ràng những chương trình này mang đến những giá trị nhất định cho khán giả. Điều này cũng khiến các chương trình về hẹn hò, tấu hài… thất thế sau một thời gian bùng nổ vô tội vạ trên sóng. MC Thành Trung chia sẻ, anh rất hào hứng khi được trở thành người kết nối tại Đấu trường siêu Việt bởi nó rất bổ ích cho bản thân và những khán giả ham học hỏi.
“Đến với chương trình, bạn không cần thể hiện mình là người siêu năng lực. Bạn đến đây để kiểm tra lại vốn kiến thức của bản thân”, là lời nhắn nhủ của Thành Trung gửi đến người chơi.
Nhưng có một thực tế phải thừa nhận, ngay cả những chương trình đang nhận được sự chú ý cũng không hoàn toàn mới mẻ. Không phải đến thời điểm này, các chương trình vận động hay quiz show mới được khán giả yêu thích. Bằng chứng là đã có nhiều chương trình trong quá khứ thành công: Sasuke Việt Nam, Chạy đi chờ chi, Cuộc đua kỳ thú, Đại náo thành Takeshi, Siêu thử thách, Đấu trường 100, Siêu trí tuệ Việt Nam... Do đó, bài toán đặt ra cho các đơn vị sản xuất là phải có định dạng mới hấp dẫn và đầu tư tương xứng.
Theo tiết lộ của ê kíp sản xuất, Chuyến đi nhớ đời quy tụ hơn 150 nhân sự với 50 chiếc xe, thời gian ghi hình liên tục 17 ngày đêm qua 6 tỉnh, thành duyên hải Nam Trung bộ. Kinh phí sản xuất 2 ngày 1 đêm cũng được hé lộ không thua kém Chạy đi chờ chi với hơn 30 máy quay, bối cảnh ghi hình tại 8 tỉnh thành cả nước.
Cạnh tranh trong bối cảnh khán giả ngày càng khắt khe hơn với gameshow và truyền hình thực tế, xét cho cùng, chất lượng vẫn luôn là yếu tố tiên quyết.