Lội ngược dòng
Từ các chương trình format nước ngoài từng làm mưa làm gió trên truyền hình như: Bước nhảy hoàn vũ, Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Vietnam’s got talent, The Face, The Remix… từng làm mưa làm gió trên sóng truyền hình thì nay đã phải nhường thị phần cho các game show thuần Việt như: Cười xuyên Việt, Tài tử tranh tài, Solo cùng bolero, Sao nối ngôi… Có thể xem đây là cú lội ngược dòng đầy thú vị của các chương trình game show thuần Việt.
Từ đầu năm 2017 đến nay, bên cạnh các chương trình mùa tiếp theo, đã và đang có khá nhiều game show thuần Việt mới lên sóng như: Điệp vụ đối đầu, Cặp đôi hài hước, Đường đến danh ca vọng cổ, Tạp dề tí hon, Hát cùng mẹ yêu, Tình bolero hoan ca, Ai sẽ thành sao, Gương mặt truyền hình, Gương mặt điện ảnh, Hát mãi ước mơ, Tiếu lâm tứ tuyệt nhí...
Nhiều chương trình trong số đó để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả bởi sự tử tế, nhân văn. Hát mãi ước mơ là một trong số đó. Xem Hát mãi ước mơ có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng đến một chương trình truyền hình thực tế nhân đạo từng rất được yêu thích là Ngôi nhà mơ ước. Tuy nhiên, ở Hát mãi ước mơ, bên cạnh tính nhân văn và sẻ chia, những câu chuyện đầy cảm xúc những người làm chương trình đã khéo léo lồng vào yếu tố giải trí để chương trình không quá nặng nề. Dựa trên nền tảng karaoke, Hát mãi ước mơ mang đến một thông điệp về sự gần gũi, ở đó ai cũng có thể tham gia nếu như họ có ước mơ cao đẹp là góp phần giúp đỡ những người thân yêu vượt qua nghịch cảnh bằng chính giọng hát của mình.
Anh Hữu Nghị trong chương trình Hát mãi ước mơ
Tiêu chí của chương trình theo đúng tên gọi Hát mãi ước mơ, nó phù hợp với mọi lứa tuổi, giúp người chơi tự tin bước lên sân khấu, tỏa sáng và giành lấy giải thưởng cao nhất, biến ước mơ chưa được thực hiện của người mình yêu thương trở thành hiện thực. Thông qua chương trình, nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh khó tin nhưng có thật sẽ được kể trên sân khấu âm nhạc và những ước mơ chia sẻ đậm tình người hứa hẹn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Như trong tập 3 của chương trình, khán giả khó kềm được nước mắt trước câu chuyện về anh Hữu Nghị - người cha “gà trống nuôi con” bị chứng teo não, về chàng trai khiếm thị tên Tài Lộc với ước mơ trở thành nhà sản xuất âm nhạc, về cô ca sĩ tự do thi hát giúp chú thoát khỏi cảnh nợ nần và cô sinh viên nghèo với ước mơ đưa cha mẹ vô TPHCM sống cùng. Những câu chuyện đầy xúc cảm như thế xuất hiện trong suốt hành trình phát sóng của chương trình đã làm lay động trái tim của khán giả.
Hay như chương trình Gương mặt truyền hình cũng mang ý nghĩa như thế. Dù mới "chào sân" nhưng chương trình Gương mặt truyền hình cũng đã tạo dấu ấn bởi nỗ lực hướng đến sự tử tế bằng những chia sẻ nghiêm túc về nghề, những phần thi mang tính trải nghiệm thực tế cao, đầy thách thức chứ không sáo mòn, chạy theo những hào nhoáng, gây sốc như nhiều chương trình khác.
Một thành công bất ngờ khác có thể kể đến là chương trình Sao nối ngôi - game show thuần Việt nằm trong tốp 3 trò chơi truyền hình có tỷ suất người xem cao nhất năm 2016 tại TPHCM và đã giành được giải Mai vàng từ bình chọn của khán giả. Nói bất ngờ bởi chương trình tập trung vào một loại hình nghệ thuật đang thoái trào, ngày càng ít được khán giả trẻ biết đến là cải lương. Tham gia thi thố cũng không phải là những ngôi sao cải lương đình đám một thời, mà chỉ là những nghệ sĩ trẻ đang trên đường khẳng định mình. Ấy vậy mà chương trình không hề thời thượng, không ngôi sao thời thượng này lại qua mặt gần như tất cả chương trình ca nhạc, hài kịch, hoa hậu, người mẫu để hết lần này đến lần khác đứng đầu rating xếp hạng các chương trình khu vực phía Nam.
Nói không với scandal
Có thể đưa ra vài con số về tỷ suất người xem các chương trình trong tuần đầu tiên của tháng 5 sẽ thấy rõ nét hơn về sự nổi trội của các chương trình thuần Việt. Như: chương trình Tài tử tranh tài dẫn đầu với 28,33%, Tình bolero hoan ca với 24,99%, Cặp đôi hài hước với 24,67%, Hãy nghe tôi hát với 23,41%, Hát mãi ước mơ với 11,99% trong khi chương trình mua format nước ngoài từng một thời làm mưa làm gió là Giọng hát Việt chỉ đạt 5,55% (nguồn: Vietnam TAM).
Tôn vinh giá trị gia đình, văn hóa, cộng đồng, xã hội và định hướng người xem đến các tiêu chí chân - thiện - mỹ và nhân văn là ưu điểm của hầu hết game show thuần Việt. Ngoài ra, trong khi game show có định dạng nước ngoài xem việc tạo scandal là chiêu trò để thu hút khán giả thì game show thuần Việt nói “không” với việc này. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng, chiều sâu, ý nghĩa của các chương trình hiện nay cũng được các nhà sản xuất chú trọng. Trình độ, ý thức của khán giả truyền hình hiện nay đã rất khác vài năm trước. Những chương trình không phù hợp về văn hóa, dễ dãi về nghệ thuật, chất lượng kém sẽ khó có thể tồn tại.
Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Jet Studio, đơn vị sản xuất nhiều chương trình truyền hình thuần Việt thành công, cho biết công ty ông hiện có trong tay hơn 10 chương trình nước ngoài đã mua bản quyền nhưng sẽ không đưa vào sản xuất mà chỉ tập trung sản xuất những chương trình truyền hình thuần Việt bởi nó đang đem lại hiệu quả cao. Nhiều chương trình mua bản quyền nước ngoài không thật sự phù hợp với văn hóa Việt Nam. Trong khi đó văn hóa Việt, nghệ thuật Việt có nhiều cái hay, bổ ích nhưng chưa được chú trọng khai thác.
Lập hẳn một bộ phận để tìm ra ý tưởng cho những chương trình mới do chính người Việt làm không chỉ là hướng đi của Jet Jet Studio mà còn là hướng đi chủ đạo của nhiều tên tuổi mới như Khang Media, Điền Quân... Tuy nhiên, sự nở rộ game show thuần Việt cũng đang hé lộ một số nhược điểm. Đó là sự na ná trong cấu trúc chương trình như các game show mua bản quyền nước ngoài. Chưa kể, khi mua bản quyền gameshow nước ngoài, nhà sản xuất Việt Nam có thể kiểm tra được độ ăn khách thông qua phiên bản đã xuất hiện ở quốc gia khác, còn game show thuần Việt thì chỉ là thử nghiệm, tự mày mò mọi thứ nên đôi khi không tránh khỏi những sự cố đáng tiếc.