Ít bột sao làm được nhiều bánh
Có thể nói, game show ca nhạc vẫn chiếm số lượng khá nhiều trên sóng truyền hình nhưng số phận của chúng đang rơi vào bi kịch của của sự nhàm chán do chính mình tạo nên. Từng là nguyên nhân góp phần giết chết các chương trình ca nhạc bán vé, giờ đây với sự dễ dãi, cuống cuồng chạy theo lợi nhuận, thương mại một cách quá đà, game show ca nhạc đã tự giết chính mình. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chất lượng ngày càng đi xuống rõ rệt.
Nhạc sĩ Huy Tuấn thẳng thắn cho biết, những năm gần đây anh thường rất kén chọn ngồi ghế giám khảo hay tham gia vào một game show nào liên quan đến âm nhạc, bởi bản thân không còn hứng thú. “Thời gian vừa qua, tôi đã bỏ hầu hết những công việc liên quan đến các game show, bởi vì tôi thực sự không còn hứng thú nhiều với các game show, đặc biệt liên quan đến âm nhạc. Bởi vì nó không còn chất lượng như tôi mong muốn, hoặc như tôi đã từng tham gia”, nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ.
Có thể nói, một trong những bi kịch của truyền hình thực tế về âm nhạc hiện nay là khan hiếm thí sinh, trong khi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng và sự thành công của chương trình. Sự bùng nổ quá nhiều chương trình thực tế về âm nhạc đã vét cạn kiệt những nhân tố và tài năng thực sự.
Nếu trước đây, thí sinh chủ động rồng rắn kéo về TPHCM để tham dự các buổi xét chọn nhằm tìm kiếm cho mình một chiếc vé may mắn để bước vào cuộc thi, thì hiện nay, đơn vị tổ chức phải tung người đi tìm kiếm thí sinh ở khắp các hang cùng ngõ hẻm trên cả nước. Thế nhưng, tài năng không phải là nấm mọc sau mưa, thế nên dù tốn rất nhiều công sức, tiền của, nhưng kết quả thu về thường chẳng bao nhiêu.
Điều đó lý giải vì sao trong khoảng 2 năm trở lại đây, quán quân của các game show âm nhạc mờ nhạt, thậm chí khán giả không thể nhớ nổi tên. Thực trạng này khác hẳn với 4 - 5 năm về trước, khi ngay từ những vòng đầu tiên, nhiều gương mặt thí sinh đã gây bão như hiện tượng. “Có bột mới gột nên hồ” nhưng thực tế hiện nay đúng như hình ảnh mà ca sĩ Thu Phương ví von: “Một muỗng bột chỉ để làm một chiếc bánh, bây giờ làm 10 cái bánh, không thể đủ được”. Quả thật, những chương trình với dàn thí sinh sàn sàn nhau, kém chất lượng, không có người nổi bật, chính là nguyên nhân đầu tiên khiến các cuộc thi trên sóng truyền hình kém sức hút.
Vòng luẩn quẩn không lối thoát
Ngoài yếu tố thí sinh thì giám khảo, huấn luyện viên cũng là yếu tố quan trọng góp phần làm nên sức hút của một game show. Chính vì vậy, để có được ưu thế giúp chương trình tạo được chú ý, các đơn vị tổ chức sẵn sàng chi tiền “khủng” để mời những gương mặt giải trí, ngôi sao ăn khách với đủ vai trò, từ giám khảo, huấn luyện viên đến MC...
Những ca sĩ từng rất được săn đón trên ghế giám khảo có thể kể đến: Siu Black, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Thu Phương... Thời gian đầu, những giám khảo kể trên tạo sức hấp dẫn lớn trên ghế nóng vì sự mới mẻ và duyên dáng. Với lượng người hâm mộ hùng hậu, họ cũng giúp chương trình nhận được quan tâm nhiều hơn.
Tuy nhiên, khi các chương trình bùng nổ, các nghệ sĩ này liên tục xuất hiện trong quá nhiều chương trình khác nhau, tạo nên sự nhàm chán. Có một dạo, mở truyền hình lên, cứ chương trình ca nhạc liên quan đến bolero thể nào cũng gặp không phải Phương Dung, Thái Châu, Bảo Yến thì cũng là Ngọc Sơn, Quang Lê, Phi Nhung… Mười chương trình như một, “chạy trời không khỏi nắng”.
Chính vì vậy, để tránh nhàm chán, các đơn vị sản xuất bắt đầu hướng đến những ca sĩ trẻ cho vai trò giám khảo. Thế nhưng, đây chính là thất bại của các game show truyền hình. Thực tế, các giám khảo trẻ, nhiều người hâm mộ như Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, Đông Nhi… vẫn chưa đủ tầm lẫn bề dày kinh nghiệm, sự lịch duyệt cho vị trí “ghế nóng”. Thậm chí, trong chương trình The Debut, chính bộ ba giám khảo Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc, Hương Tràm đã trở thành “thảm họa” trong lịch sử các show truyền hình thực tế bởi sự ngô nghê, non nớt đến mức đáng thương.
Ở một góc nhìn khác, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng thực trạng bão hòa còn xuất phát từ sự “làng nhàng”, giống nhau của các cuộc thi. Việc sản xuất quá nhiều, không kỹ lưỡng, không chỉn chu, không có người làm nhạc tốt cũng khiến các chương trình kém sức hút. Rõ ràng, không chỉ thí sinh hay giám khảo, hiện nay bài hát để thí sinh thể hiện cũng khan hiếm, cách phối khí trong những phần thi cũng lặp lại, không có nhiều mới mẻ. Những màn biểu diễn ấn tượng, hoành tráng, được đầu tư công phu cũng xuất hiện ngày một ít. Không khó để nhận ra vòng luẩn quẩn không lối thoát của các game show ca nhạc hiện nay: chương trình không hấp dẫn - khán giả không quan tâm - doanh nghiệp không tài trợ, quảng cáo kém - cắt đầu tư - chương trình ngày càng kém chất lượng.
Từng góp phần thay đổi cục diện truyền hình, đưa nhiều bạn trẻ tài năng một bước thành sao và là một trong những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến diện mạo thị trường giải trí, nhưng game show về âm nhạc đang “chết” dần trên sóng truyền hình. Nhiều chương trình như Vietnam Idol, Cặp đôi hoàn hảo, Nhân tố bí ẩn... đã không còn được tổ chức. Trong khi, những chương trình tiếp tục lên sóng như Giọng hát Việt, Sing My Song, Gương mặt thân quen... đều giảm sức hút đáng kể. Minh chứng rõ nhất là các chỉ số rating và giá quảng cáo. Thế nên, nói game show ca nhạc đang giãy chết cũng không có gì là quá!