Sở GTVT TPHCM cũng đã triển khai thực hiện, yêu cầu đến cuối tháng 8-2019 phải ngưng tất cả các hoạt động khai thác gầm cầu trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, đến thời điểm này tình trạng chiếm dụng gầm cầu vẫn diễn ra.
Gầm cầu thành bãi giữ xe
Ở TPHCM hiện vẫn còn nhiều gầm cầu bị khai thác làm bãi xe, với số lượng xe đông, kèm theo đó là các hoạt động sinh hoạt tại chỗ như nấu nướng, thắp hương thờ cúng của gia đình chủ bãi xe. Ông Nguyễn Văn Thành (ngụ gần cầu Nguyễn Tri Phương phía quận 8 phản ánh: “Các quán nhậu gần khu vực cầu bán tới gần 1 giờ sáng, rất ồn ào mất trật tự. Không chỉ vậy, gầm cầu còn bị thực khách ở các quán nhậu dùng làm nơi phóng uế bừa bãi, mất vệ sinh”.
Gầm cầu Ông Lãnh (phía đường Võ Văn Kiệt, nối quận 1 và quận 4) bị tận dụng làm bãi giữ xe máy, với diện tích mặt bằng gần 1.000m2. Quan sát phía sâu bên trong, mọi hoạt động giữ xe vẫn diễn ra bình thường. Phía bên ngoài bãi giữ xe, một vài sạp bán trái cây dã chiến bày bán dưới gầm cầu, nên nhiều người đi xe máy dừng xe dưới lòng đường ghé mua, giao thông đi lại hơi lộn xộn.
Từ cửa ngõ Đông Bắc đi vào TPHCM, ngay gầm cầu vượt Thủ Đức (quận Thủ Đức), một số người ngang nhiên bày hàng chục bộ bàn ghế, hình thành các quán nước. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe thường xuyên ở khu vực này. Chiều tối, khi các quán nước nghỉ hoạt động, gầm cầu trở thành bãi rác với nhiều chai lọ, túi ni lông.
Dưới gầm cầu vượt Ngã tư Ga, cầu vượt Bình Phước cũng có tình trạng bát nháo. Đây là nơi hành khách đứng đón xe về các tỉnh miền Trung, miền Bắc và chờ xe buýt. Tuy đây không phải là trạm dừng nhưng một số xe vẫn dừng đón trả khách. Bà Lê Thị Hòa (chủ một quán dưới gầm cầu vượt Ngã tư Ga) cho hay: “Đây là khu vực đón xe Bắc - Nam nên tôi bán nước giải khát khá chạy. Thỉnh thoảng cũng có lực lượng chức năng tới dẹp nhưng khi họ đi, tôi lại bày ra bán tiếp. Ai cũng vậy chứ không riêng gì tôi”.
Không thể du di việc chiếm dụng, khai thác gầm cầu
Trung tâm Quản lý giao thông đường bộ TPHCM thừa nhận có thực trạng người dân chiếm dụng gầm cầu để buôn bán, gây mất trật tự và vệ sinh. Sở GTVT đã có văn bản phối hợp với các địa phương để xử lý tình trạng này.
Theo quy định tại Điều 52 Luật Giao thông đường bộ, gầm cầu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Việc chiếm dụng khai thác gầm cầu gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông. Khoản 4 Điều 22 Nghị định 11/2010 cũng quy định các vật liệu có nguy cơ cháy cao, hóa chất độc hại phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ một khoảng cách bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông vận tải. Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chứa một lượng nhiên liệu nhất định có khả năng gây cháy nổ nếu xảy ra sự cố, do vậy bãi giữ xe phải bố trí nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ.
Ngoài ra, việc gầm cầu bị chiếm dụng sẽ cản trở phương tiện cứu hộ, cứu nạn, phương tiện chữa cháy khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn dưới gầm cầu, và cản trở việc thực hiện bảo trì công trình cầu, gây áp lực cho giao thông trên tuyến đường, đặc biệt là giờ cao điểm. Do vậy, Bộ GTVT đã dứt khoát bác đề nghị của các địa phương về việc cho phép tận dụng các gầm cầu để làm bãi giữ xe. Việc tận dụng gầm cầu làm kho để hàng, kinh doanh hàng quán cũng không được phép, vì có nguy cơ gây cháy nổ.
Thông tư 35 của Bộ GTVT khẳng định: Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đậu xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đậu xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của thông tư này, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.
Để chấm dứt tình trạng gầm cầu tại TPHCM bị chiếm dụng gây mất trật tự, an toàn và mỹ quan, ngành GTVT TPHCM cần kiểm tra, phối hợp chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, giải tỏa mặt bằng. Nhằm giữ mặt bằng gầm cầu không bị tái chiếm dụng, nên đầu tư chuyển các mặt bằng gầm cầu thành vườn trồng các cây xanh trong bóng râm như đã thực hiện ở một số gầm cầu, tạo mỹ quan đô thị.