Gác kiếm là tập sách thứ 31 của Trần Tử Văn. Sách dày hơn 700 trang in khổ lớn, thấm đẫm tình đời, tình đồng nghiệp, tình con người trong mỗi trang viết.
Tập sách được tác giả ghi theo thể tạp văn. Cây bút lão thành Vũ Hạnh nhận xét: “Qua tác phẩm này, chúng ta được hiểu rõ hơn, sâu hơn về Trần Tử Văn, bởi anh không chỉ là một nhà báo, nhà văn, còn là một người hoạt động xã hội và ở mức độ nào đó anh đã có những thuyết giáo cùng những suy nghĩ tích cực đối với lẽ sống, đối với con người. Anh không chỉ nhìn sự việc qua lăng kính của một sĩ quan công an, mà còn vai trò của một nhà báo, quan điểm của một nhà văn, anh thấy vấn đề sâu rộng hơn nhiều nên đã quan tâm nhiều hơn về mặt văn hóa, đặc biệt là sự giáo dục nhân cách lớp trẻ từ nơi học đường và trong khung cảnh gia đình”. Còn nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải thì cho rằng: “Trò chuyện và đọc văn chương của Trần Tử Văn hôm nay, nhìn lại chặng đường của anh, gần với dân nghèo, bụi đời hè phố, biết con mắt và cách cảm của anh công an giàu tình thương, hiểu thêm những gì anh viết và trăn trở”.
Trong Gác kiếm, điều thú vị là lần đầu tiên Trần Tử Văn công bố hàng chục bài thơ của mình. Đọc những dòng thơ ấy, nhà thơ Lê Minh Quốc ghi nhận đó là một dòng thơ thế sự sâu lắng. Khi đặt ra câu hỏi, Trần Tử Văn đã có gì trong thơ, thì cũng chính Lê Minh Quốc trả lời: “Trần Tử Văn đã tinh tế khi bắt mạch đúng nội tâm chính anh, đó là sự đau đáu trăn trở, suy tư đầy trách nhiệm của người cầm bút trước thế sự, hiện thực của cuộc sống... Nhiều tứ thơ bật ra bất ngờ, sắc lẹm và hằn sâu trong trí nhớ”.
Với tôi, khi cầm Gác kiếm trên tay, sự trân trọng lớn nhất của tôi với Trần Tử Văn là một tình yêu mạnh mẽ, một ý thức trách nhiệm lớn lao với cuộc sống, với văn học, để cho dù hoàn cảnh nào của riêng anh, anh cũng không ngừng phấn đấu có những tác phẩm luôn truyền đến người xem và thúc giục họ vì một cuộc sống và một xã hội nhân văn.