Nhiều quận, huyện ở TPHCM vẫn còn thờ ơ trước dịch cúm gia cầm tái phát ở ĐBSCL

Gà, vịt sống - mua bao nhiêu cũng có

Gà, vịt sống - mua bao nhiêu cũng có

Dù dịch cúm gia cầm đang tái phát ở ĐBSCL, nhưng tại TPHCM, theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 21-12, hầu hết các chợ ở các khu vực quận, huyện vùng ven, tình trạng buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra tấp nập, công khai.

Ở chợ ngã tư Bốn Xã, Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc và một số chợ tự phát ở quận Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp, dọc tuyến đường Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, có 6 điểm buôn bán, cung cấp gà, vịt một ngày lên đến hàng trăm con.

Tại chợ Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, gà vịt được bày bán công khai dọc hai bên đường. Ở khu vực cầu Phú Long, cửa ngõ giữa quận 12 với thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, người bán sẵn sàng giết mổ ngay tại chỗ nếu khách có yêu cầu.

Phát hiện chúng tôi chụp hình, người bán thách thức: “Giỏi lại đây mà lấy chứ chụp hình nhằm nhò gì!”. Ở chợ Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, việc kinh doanh buôn bán gia cầm sống với quy mô lớn, khá rầm rộ.

Chợ này dài chưa tới 1km, nhưng có đến 10 điểm buôn bán gia cầm sống, hoạt động từ 4 giờ sáng cho đến 9 giờ đêm, mùi gà, vịt bốc lên nồng nặc.

Gà, vịt sống - mua bao nhiêu cũng có ảnh 1

Gà, vịt sống bày bán công khai tại chợ Vinh Lộc A huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Q.H.

Theo chỉ dẫn của các tiểu thương bán tại một chợ nhỏ ở khu phố 8, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, chúng tôi rẽ vào đường Bình Long giáp ranh giữa hai quận Tân Phú và Bình Tân để mua gà.

Chỉ cần thấy “cục đá và cái giỏ” là chỗ đó có bán gà. Tấp vào một điểm trong mang danh bán thỏ, nhưng khi chúng tôi hỏi mua gà sống để cúng, ngay lập tức được dẫn ra phía sau nhà để chọn gà.

Trở lại chợ Hoàng Hoa Thám (phường 13, quận Tân Bình), một phụ nữ tên M. bán cua nhưng vẫn bán gà, với hình thức “thỏa thuận giá trước, về nhà làm mang ra”.

Khác với những lần đi thực tế trước đây, tình hình mua bán gà, vịt, bồ câu, chim sống ở khu vực chợ Cầu, đường Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp, có phần lén lút hơn.

Khi hỏi một tiểu thương đang bán cá, chị ta liền chỉ: “Muốn mua gà hả, qua nhà có cửa sắt màu xanh bên kia đường, gà Tây Ninh về nhiều lắm, tha hồ mà lựa”.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến trước số nhà 3/3… đường Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp và được một người phụ nữ dẫn ra phía sau nhà, nói giá: gà trống bán 60.000đ/kg, gà mái 55.000đ/kg.

Ở các khu vực các quận 6, 8, 11, Tân Phú,... mặc dù chưa qua kiểm dịch nhưng thịt gia cầm vẫn được bán nhan nhản. Tại chợ Hiệp Tân (phường Hiệp Tân- Tân Phú), quầy bán gà làm sẵn của Công ty cổ phần Gia Long Hưng được đóng bao bì và có dấu kiểm dịch hẳn hoi, nhưng người mua không nhiều.

Trong khi đó, nhiều quầy hàng khác, gà cắt sẵn ra từng bộ phận, không có bao bì, không có nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch lại có người mua tấp nập. Lý do vì gà có kiểm dịch đắt hơn 10.000 đồng/kg so với các quầy bán gà không qua kiểm dịch.

Dọc theo những tuyến đường liên ấp, liên xã thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân nhà nào cũng có (chủ yếu là nuôi thả đàn). Anh V.Đ.C. ở tổ 6, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng nuôi vài chục con gà thịt để bán và cúng vào dịp Tết.

Hiện nay, tình hình chăn nuôi, buôn bán gia cầm ở ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… chủ yếu mang tính thời vụ, với các hộ chăn nuôi nhỏ, nên hầu như chưa có ai quan tâm đến nạn dịch bùng phát.

HÙNG - HẠNH - THI

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
Khẩn trương dập tắt ổ dịch, kiểm tra triệt để vận chuyển gia cầm

Tại Cà Mau, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng lan rộng. UBND tỉnh Cà Mau đã huy động cán bộ thú y, công an, quân đội và thanh niên đến xã Khánh Hưng giúp bà con dập tắt ổ dịch; khẩn trương tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch, ngăn chặn triệt để việc mua bán, vận chuyển gia cầm ra, vào vùng dịch; mở đợt cao điểm kiểm tra quản lý giết mổ tiêu thụ gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại Bạc Liêu, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, toàn bộ số gia cầm mắc bệnh ở xã Vĩnh Bình sẽ được tiêu hủy và tổ chức tiêm phòng 100% cho đàn gia cầm chưa tiêm phòng hoặc đã tiêm đủ mũi; lắp đặt biển báo kiểm soát chặt chẽ việc kiểm soát gia cầm ra vào vùng có dịch.

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo UBND huyện Hòa Bình nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm vì đã để xảy ra dịch trên địa bàn do không áp dụng nghiêm túc các quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp nở, tiêm phòng và các quy định về chế độ thông tin báo cáo khi phát hiện dịch bệnh.

Tại An Giang, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo tăng cường cán bộ thú y xuống các địa bàn để thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ tại các cơ sở chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia súc gia cầm.

Tại Đồng Tháp, BCĐ phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh yêu cầu UBND 9 huyện và 2 thị xã kiểm soát không để lọt gia cầm nhiễm bệnh hoặc chưa qua tiêm phòng xuất nhập tỉnh, buôn bán, giết mổ và kiên quyết ngăn chặn đàn vịt chạy đồng, nhất là các huyện biên giới.

Tại Vĩnh Long, Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo trạm thú y của 6 huyện và thị xã khẩn trương lập kế hoạch chuẩn bị về nhân lực, vật tư, hóa chất khử trùng nhằm ứng phó kịp thời nếu có dịch xảy ra. Hiện Vĩnh Long đang có đàn gia cầm gần 2,5 triệu con đã được tiêm phòng đủ mũi.

TP Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Bến Tre… cũng đang khẩn trương chuẩn bị phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát.

M.TR. – ĐẤT MŨI

Thông tin liên quan

Tái phát dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL 
Cán bộ chủ quan, dân lơ là?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Nguy cơ tái phát dịch là rất cao  

Tin cùng chuyên mục