Chưa đồng thuận về vấn đề Iran
Trong bữa ăn tối làm việc 24-8 (rạng sáng 25-8 giờ Việt Nam) kéo dài gần 3 giờ, các nhà lãnh đạo G7 đã trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề, trong đó có hạt nhân Iran, đưa Nga trở lại nhóm, cháy rừng Amazon...
Về vấn đề Iran, các lãnh đạo G7 đang lo ngại chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi các thỏa thuận quốc tế phục vụ cho các lợi ích Mỹ trước tiên. Câu hỏi lớn đặt ra là, liệu G7 có là một diễn đàn hiệu quả để giải quyết các vấn đề toàn cầu sau những va chạm gần đây giữa Mỹ với các nước thành viên hay không. Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran không có dấu hiệu “hạ nhiệt” kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Mỹ kêu gọi các đồng minh tham gia liên minh bảo vệ tàu tại eo biển Hormuz, nhưng nhiều nước tỏ thái độ “chờ và xem”. Trong số các nước G7, Anh đã thông báo sẽ tham gia sáng kiến của Mỹ, nhưng Pháp và Đức tỏ ra thận trọng. Nhật Bản - đồng minh chính của Mỹ tại châu Á nhưng lại có quan hệ tốt và nhập khẩu dầu từ Iran - vẫn chưa tỏ rõ quan điểm của mình.
Cũng tại bữa tối làm việc trên, các lãnh đạo G7 đã thảo luận khả năng Nga trở lại nhóm. Dù Tổng thống Donald Trump hối thúc G7 tái thu nạp Nga, các thành viên khác hiện vẫn phản đối. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí cần tăng cường hỗ trợ nhằm dập tắt đám cháy rừng hiện nay tại rừng mưa Amazon ở Brazil. Liên quan đến Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump vẫn bày tỏ hy vọng có thể gặp lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thúc đẩy các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, bất chấp Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm vũ khí trong 1 tháng qua, mới nhất là vụ phóng ngày 24-8.
Khó khăn lớn nhất
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng được các nhà lãnh đạo G7 dành nhiều thời gian thảo luận. Theo Euronews, sự khác biệt lớn về chính sách đối với chủ nghĩa bảo hộ thương mại vẫn tồn tại trong các nước G7. Ngay trước khi đến Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ sẽ đánh thuế rượu vang Pháp trừ khi Paris không tăng thuế với sản phẩm kỹ thuật số của các công ty công nghệ Mỹ.
Thủ tướng Anh Johnson cho biết, một trong những ưu tiên của ông đối với hội nghị thượng đỉnh là tình hình thương mại toàn cầu. Theo ông, những người ủng hộ thuế quan có nguy cơ phải chịu trách nhiệm cho sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ 2,6% - 3,2%.
Vào sáng 25-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, không quan tâm đến phản ứng của thị trường đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Khi được hỏi về việc cuộc chiến này có thể dẫn đến khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, ông Donald Trump cho biết, ông “suy nghĩ về mọi thứ”, đồng thời thêm rằng, Mỹ đang rất gần với một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và chính cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã trợ giúp quá trình này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz sẽ là “một bài kiểm tra khó khăn về sự đoàn kết”. Theo ông, các thành viên G7 ngày càng khó tìm tiếng nói chung trong khi thế giới đang cần sự hợp tác của G7 nhiều hơn bao giờ hết. Đây có thể là khoảnh khắc cuối cùng để khôi phục sự đoàn kết của G7. Ông nói thêm rằng, các cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa các thành viên G7 sẽ làm xói mòn thêm niềm tin giữa họ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông hy vọng các nhà lãnh đạo trong G7 sẽ rút lui khỏi các cuộc chiến tranh thương mại và hàn gắn sự chia rẽ ngày càng tăng.