Bộ trưởng Bộ An ninh Năng lượng Anh Andrew Bowie cho biết, G7 sẽ loại bỏ dần than trong sản xuất điện trong nửa đầu những năm 2030.
Theo ông, đây là một thỏa thuận lịch sử, điều mà G7 không thể đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc (COP28) ở Dubai năm 2023. Năm 2023, dưới sự chủ trì của Nhật Bản, G7 đã cam kết ưu tiên các bước cụ thể hướng tới việc loại bỏ dần việc sản xuất điện than nhưng chưa đưa ra thời hạn cụ thể.
Theo thỏa thuận này, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Thỏa thuận này cũng đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn đối với một số quốc gia thành viên như Nhật Bản - có tỷ lệ điện chạy than chiếm 32% tổng sản lượng điện, Đức (27%), Mỹ (16%). Bốn thành viên còn lại gần như loại bỏ hoàn toàn điện từ than gồm Pháp (0,4%), Anh (1,4%), Canada (5%) và Italy (5,3%).
Thỏa thuận nói trên không bao gồm cấm sử dụng khí tự nhiên để chạy điện. Điện từ khí tự nhiên chiếm 43,1% sản lượng điện của Mỹ vào năm 2023. Việc khai thác khí tự nhiên và sử dụng vào việc sản xuất điện vẫn góp phần tạo ra khí thải.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng mở rộng quy mô năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu gia tăng, do đó khí tự nhiên vẫn là lựa chọn hàng đầu không chỉ ở Mỹ mà nhiều quốc gia khác. Do vậy, việc loại bỏ dần điện than cũng là bước đi rất đáng khen. Kết hợp với ô tô điện và các chiến lược khác, kế hoạch này sẽ kéo giảm một lượng khí thải không nhỏ.
Thỏa thuận này cũng có thể gây thêm áp lực cho những quốc gia vẫn đang sử dụng nhiều than chạy điện. Theo ông Luca Bergamaschi, thành viên đồng sáng lập Tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu ECCO của Italy, thỏa thuận giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đầu tư từ than sang công nghệ sạch nói riêng ở Nhật Bản và rộng hơn là trong toàn bộ các nền kinh tế ở châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.