Phát biểu tại lễ khởi động các sự kiện G20 về giáo dục và văn hóa, ông Iwan Syahril, Tổng giám đốc phụ trách giáo viên và nhân viên ngành giáo dục thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, cho biết nội dung ưu tiên thảo luận đầu tiên là chất lượng giáo dục phổ quát.
Ông Iwan khẳng định vấn đề này được nêu lên nhằm đối phó với thách thức về khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng ở tất cả các cấp học, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương, nhằm phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Có 4 ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 sắp tới.
Thứ nhất là nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở tất cả các cấp học; thứ hai là dùng công nghệ kỹ thuật số để gia tăng công bằng xã hội trong giáo dục; thứ ba là đoàn kết và tăng cường quan hệ đối tác trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu; thứ tư là thiết lập tương lai của thị trường việc làm hậu Covid-19. Tất cả đều có mục tiêu là mang lại thay đổi trong giáo dục nhằm đào tạo thế hệ mới có thể giải quyết các thách thức trong tương lai.
Theo Hãng thông tấn Antara, ông Nadiem Anwar Makarim, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, kêu gọi toàn dân Indonesia tham gia cung cấp sáng kiến để G20 có thể thực sự tạo ra những bước đi cụ thể và có lợi cho nhiều quốc gia.
Với vai trò chủ tịch G20, Indonesia có khả năng đảm bảo tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách đã lộ rõ trong ứng phó với đại dịch toàn cầu giữa các nước phát triển và các nước có thu nhập thấp hơn.
Đặc biệt, việc chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục là một trong những nỗ lực lớn của Indonesia nhằm nâng cao chất lượng học tập. Vào năm 2021, Indonesia đã lập quỹ Cải cách chất lượng giáo dục trị giá 400 tỷ rupiah (hơn 27 triệu USD), trong đó phần lớn tập trung vào việc tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số trong giảng dạy.
Bên cạnh giáo dục, văn hóa cũng là trọng tâm trong nhiệm kỳ Indonesia làm chủ tịch G20. Các diễn đàn thanh niên G20 sẽ tập trung thảo luận lĩnh vực giáo dục và văn hóa, chia sẻ thông điệp đến với thế giới.